Mẫu SH bản cũ có giá niêm yết cho bốn phiên bản 125i CBS, 125i ABS, 150i CBS, 150i ABS là: 68-76-82-90 triệu đồng, thì hiện tại có giá lần lượt là 110-118-120-135 triệu đồng, tại một Head trên đường Trần Nhân Tông, tăng 38-45 triệu. Giá bán thực tế ở một số đại lý còn cao hơn mức này, tăng gần 60 triệu đồng so với giá niêm yết ở bản thấp nhất 125i CBS.
Các Head cho biết xe không còn nhiều màu, phiên bản để bán, trong khi nhu cầu tìm mua mẫu cũ vẫn cao.
Lý giải cho việc này, anh Nguyễn Long, nhân viên kinh doanh ở một đại lý của Honda chia sẻ: "Người dân đổ xô đi mua nên các đại lý đều tăng và cứ thế đẩy lên khi lượng xe tồn kho giảm dần".
Những khách tìm mua SH cũ đa số là người trẻ, ưa chuộng kiểu dáng bản cũ, đặc biệt là phần đầu xe, đèn pha. Trọng Nghĩa, 22 tuổi muốn mua SH 2019 nhưng phải hoãn lại kế hoạch bởi mức giá ở đại lý chênh quá nhiều. Tương tự, nhiều khách không chấp nhận đội giá nên mua xe đã qua sử dụng hoặc chuyển sang bản 2020..
Honda Việt Nam đã nhiều lần trả lời rằng đại lý xe máy đều là "mua đứt bán đoạn", nên hãng rất khó kiểm soát giá bán lẻ mà chỉ đưa giá đề xuất. Hãng sẽ cố gắng điều chỉnh lượng cung để giá không bị đẩy cao khi khan hàng. Nhưng với trường hợp xe không còn bán như thế này, hãng khó có thể làm gì. kết hợp với đó là việc giao dịch đều do người mua và người bán thỏa thuận giá nên không có căn cứ để nói đại lý có làm sai hay không.
Không chỉ xe đời cũ đội giá, ngay cả SH 2020 cũng đang bán cao hơn giá niêm yết. Ví dụ bản 125i CBS niêm yết 71 triệu, thực tế bán 79 triệu, chênh 8 triệu đồng. Thông thường, dù lúc thấp điểm hay cao điểm, SH vẫn chênh khoảng 10 triệu so với giá đề xuất.
Năm 2015, Honda Dream bị đội giá đến gần gấp đôi giá trị xe từ 28 triệu đến 50-55 triệu.
Đoàn Dũng