Tiến Thành, một kiến trúc sư trẻ ở Hà Nội vừa mua chiếc Honda City RS màu đỏ cho biết, công việc phải đi các tỉnh khác nhiều, đặc biệt miền núi Tây Bắc, nên anh muốn chọn chiếc xe cảm thấy "tin tay" khi cầm lái. Lái thử các mẫu sedan cùng tầm giá, anh dừng lại ở City, bởi vô-lăng mang lại cảm giác yên tâm nhất.
"Vô-lăng của City không quá nhẹ hay nặng như các đối thủ, cũng ít độ rơ khi đánh lái, cảm giác mong muốn của mình được xe đáp ứng tốt", Thành chia sẻ. "Với các mẫu khác, có xe vô-lăng khá nhẹ nhưng lại không cho cảm nhận tốt về sự phản hồi của mặt đường, có xe lại hơi nặng".
Vô-lăng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cảm giác lái của một chiếc xe. Để phục vụ tài xế tốt nhất, chiếc xe còn phải giải quyết các vấn đề khác về khung gầm, phản ứng chân ga, chân phanh, sức mạnh động cơ, hộp số và các công nghệ hỗ trợ vận hành.
Hãng Nhật lắp cho chiếc sedan cỗ máy 1.5, công suất 119 mã lực tại vòng tua máy 6.600 vòng/phút. Mô-men xoắn cực đại 145 Nm tại 4.300 vòng/phút, là những con số mạnh bậc nhất phân khúc. Mẫu xe gần nhất bám đuổi City ở Việt Nam về sức mạnh có công suất 106 mã lực, kém 13 mã lực. Với mẫu xe cỡ nhỏ phân khúc B, khoảng cách 13 mã lực cũng đủ để tạo ra khoảng cách trong khả năng vận hành. Ví như khi đi cao tốc, nếu cần vượt, City vẫn có thể bung sức bứt tốc vượt các xe to hơn mà không quá lép vế.
Kết hợp với động cơ là hộp số biến thiên vô cấp CVT. Hộp số này không có cấp như hộp số tự động AT thông thường, thay vào đó "cấp số" thay đổi liên tục, phù hợp với tốc độ mà xe di chuyển. Ưu điểm của CVT là không có độ trễ như hộp số có cấp.
Bên cạnh vô-lăng chính xác, động cơ mạnh, hộp số CVT ít độ trễ thì khung gầm cũng là một điểm mà Tiến Thành ưng ý. Vì hay đi đường tỉnh phải đánh lái liên tục, nên Thành ưu tiên xe có dàn gầm chắc chắn, City đáp ứng được điều đó. Khi đảo làn hoặc vào những đoạn cua trên đường đèo, thân xe không bị vặn xoắn nhiều.
Nhưng Tiến Thành có vợ con, nên một chiếc xe không chỉ phục vụ mình tài xế. Để làm hài lòng cả gia đình, xe cần rộng rãi và tiện nghi đủ trong tầm giá.
Về kích thước, City dài tổng thể 4.553 mm. Với chiều rộng 1.748 mm, City là mẫu xe rộng nhất phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam. Trục cơ sở 2.600 mm cũng nhỉnh hơn một số mẫu xe cạnh tranh. Những con số này giúp sedan hạng B của Honda có khoang nội thất rộng rãi, giải quyết được nhu cầu đi nhiều người.
Về tiện nghi, xe có điều hòa tự động với cửa gió cho hàng ghế sau. Ghế bọc da pha nỉ. Nhu cầu giải trí được đáp ứng thông qua màn hình trung tâm 8 inch, kết nối Apple CarPlay và Android Auto. Xe còn có gạt mưa tự động, khởi động từ xa để làm mát, làm ấm xe trước khi vào. Hệ thống âm thanh 8 loa trong khi các đối thủ thường có 6.
Tiến Thành cho rằng City khá tiết kiệm nhiên liệu và kiểu dáng hiện đại, trẻ trung lại có khuynh hướng thể thao nhưng vẫn đứng đắn. Anh sử dụng xe hàng ngày đi làm, ngày nghỉ đưa gia đình đi chơi, chiếc xe đáp ứng tốt với chi phí sử dụng phù hợp thu nhập.
Cuối cùng, thứ mà Tiến Thành cho rằng là giá trị cốt lõi của ôtô, đó là mang lại sự an toàn cho người sử dụng. City có 6 túi khí, bộ ba công nghệ phanh ABS/EBD/BA, cân bằng điện tử, khởi hành ngang dốc, kiểm soát lực kéo và camera lùi 3 góc. Khi chạy cao tốc, anh có thêm kiểm soát hành trình Cruise Control giúp chân phải được nghỉ ngơi.
"Với mức giá chưa tới 600 triệu, mình thấy City là mẫu xe hài hòa về cả cảm giác lái cho tài xế và tiện nghi cho người đi cùng", Thành nhận xét.
Hiện tại, City được phân phối chính hãng với 3 phiên bản RS, L, G với mức giá từ 529-599 triệu đồng. Từ năm 2021, mẫu xe được bổ sung phiên bản thể thao RS (Road Sailing).
Tuấn Vũ (Ảnh: HVN)