"Hôn sự" giữa PGBank và HDBank sắp đi đến hồi kết khi Hội đồng quản trị PGBank sẽ trình cổ đông chấm dứt phương án sáp nhập tại phiên họp ngày 30/3 tới. Hai ngân hàng này được cổ đông chấp thuận việc sáp nhập từ đầu năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Ở phiên họp thường niên hai năm gần đây, đại diện Petrolimex, cổ đông lớn của PGBank, không giấu sự thất vọng vì sự chậm trễ này.
Với Petrolimex và PGBank, sự thất vọng không phải không có lý do. Từ năm 2014, các nhà băng đã bắt đầu "dạm ngõ" PGBank nhưng cho tới nay, hơn 6 năm, không có thương vụ nào được thực hiện.
Trước HDBank, VietinBank là ngân hàng tiến gần tới việc "về một nhà" với PGBank nhưng cũng không được. MB từng cho biết "đàm phán sâu" và sau đó cũng không có kết quả rõ rệt.
PGBank không phải một ngân hàng "xấu". Tổng tài sản của nhà băng này đến cuối năm 2020 đạt trên 36.000 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu vừa vặn 3.000 tỷ. Con số này thuộc nhóm thấp nhất hệ thống, nhưng lý do chính là các thương vụ sáp nhập kéo dài từ năm 2014 nên PGBank không thể mở rộng quy mô do ảnh hưởng tới việc định giá.
Hạn chế lớn nhất của nhà băng này là sở hữu vượt trần của Petrolimex. Nhưng điều này cũng là lợi thế bởi cổ đông lớn này lại có thể giúp PGBank dễ dàng mở rộng mạng lưới qua hệ thống các cây xăng. Các chuyên gia cho rằng, chính vì hiện trạng "không xấu", không phải dạng "yếu kém", các thương vụ với PGBank mới khó thành công.
Ở thương vụ đầu tiên cùng VietinBank, với vị thế tốt, Petrolimex khi đó có yêu cầu cao hơn với các ngân hàng muốn "dạm ngõ".
Thời điểm đó, các thương vụ sáp nhập thường là một nhà băng mạnh "ôm" một nhà băng yếu, hoặc sáp nhập nhiều ngân hàng ở nhóm dưới với nhau, điểm chung là chỉ có một thương hiệu còn lại, các ngân hàng vị thế yếu hơn sẽ bị xóa sổ, như trường hợp SCB - Tín Nghĩa - Đệ Nhất, Western Bank - PVFC, sáp nhập Habubank vào SHB, Đại Á vào HDBank.
Còn điều kiện PGBank đặt ra là giữ lại thương hiệu này và hoạt động dưới mô hình ngân hàng trong ngân hàng, điều chưa từng có tiền lệ. Ở góc độ của PGBank, việc yêu cầu này có thể là chính đáng với vị thế của ngân hàng nhưng "mô hình ngân hàng trong ngân hàng" - theo cách gọi của PGBank - không phù hợp quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng khi đó. Vướng mắc về pháp lý, với mục tiêu giữ lại thương hiệu, là một phần lý do thương vụ VietinBank - PGBank thất bại.
Sau VietinBank, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã từng tìm đến PGBank. Tổng giám đốc MB - Lưu Trung Thái trong phiên họp thường niên năm 2018 cho biết nhà băng này đã nghiên cứu một số đơn vị có triển vọng trở thành đối tác M&A, trong đó có PGBank. Hai bên đã có quá trình "đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu", nhưng vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được thông qua, ký kết.
Sau MB, HDBank xuất hiện. Trước khi hai bên thông qua phương án sáp nhập, cổ đông lớn nhất sở hữu 40% vốn của PGBank - Petrolimex - đã ký thỏa thuận hợp tác với HDBank. Điều này một phần khẳng định sự thống nhất giữa hai bên.
Theo lộ trình công bố khi đó, hai ngân hàng hoàn tất thương vụ sáp nhập vào tháng 8/2018 sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán. Tuy nhiên, các bước trong lộ trình công bố khi đó đã không theo như kế hoạch. Tới đầu tháng 9/2018, cơ quan quản lý mới chấp thuận nguyên tắc. Hai ngân hàng kỳ vọng hoàn tất vào cuối năm 2018, nhưng hơn hai năm sau đó, việc sáp nhập vẫn chưa thể hoàn tất.
Với PGBank, hậu quả của việc kéo dài đề án tái cơ cấu là ngân hàng "dậm chân tại chỗ" trong hơn 6 năm. Báo cáo gửi cổ đông năm 2019 của PGBank cho biết, việc sáp nhập với HDBank kéo dài hơn dự kiến ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung. Ngoài ra, nhân viên ngân hàng nghỉ việc cũng tăng do thông tin sáp nhập.
Hiện tại, thị trường đang đồn đoán về khả năng một ngân hàng khác đang "tìm hiểu" PGBank. Tuy nhiên, một số nguồn tin nói rằng, việc tìm hiểu này có thể liên quan đến một nhóm cổ đông mới, nhằm hạ tỷ lệ sở hữu của Petrolimex về ngưỡng 20% theo quy định, thay vì sự đại diện cho một ngân hàng muốn sáp nhập với PGBank. "Hôn sự" thất bại của ba ngân hàng trước đó cũng cho thấy về khả năng cho một thương vụ giữa ngân hàng với ngân hàng trong trường hợp PGBank trở nên khó khả thi.
Minh Sơn