![]() |
Hòn Phụ (nằm bên trái) đã bị đổ. Ảnh: SGGP |
Ngay trong sáng 9/8, các cơ quan chức năng của huyện Kiên Lương và tỉnh Kiên Giang kiểm tra thực tế. Hòn Phụ có chiều cao 33,6m bị gãy làm ba đoạn, hai đoạn rơi xuống biển, đoạn còn lại cao khoảng 4 - 5m còn nằm trên bệ đá cách bờ khoảng 110m.
Ông Nguyễn Văn Thuần, tài công tàu du lịch số 7 của Khu Du lịch hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) cho biết, lúc xảy ra vụ việc, nơi đó có mưa lớn và lốc mạnh.
Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy hai hòn Phụ và hòn Tử đều là những núi đá cao nhưng lại được tạo thành từ những tảng đá lớn chồng lên nhau nên không gắn kết chặt chẽ. Mặt khác, do xâm thực, giữa những nơi ráp nối của các tảng đá đều có những vết đứt gãy. Do đó, có thể vì sóng to, gió mạnh cộng với một chấn động nào đó đã khiến hòn Phụ đổ xuống biển.
Ông Lâm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kiên Lương, cho biết huyện đang kiến nghị tỉnh và Trung ương cử cán bộ khảo sát, đánh giá cụ thể nguyên nhân cũng như xem xét tôn tạo hòn Phụ nhằm giữ lại một danh thắng nổi tiếng, phục vụ nhu cầu du lịch tại địa phương.
Ngay sau khi hòn Phụ đổ, rất nhiều người tập trung về Khu Du lịch Hòn Phụ Tử và có một số lời đồn đại mang tính chất mê tín, nhất là thời điểm này chỉ cách ngày xảy ra tai nạn đắm tàu năm 2003 vài hôm (ngày 11/8) làm chết hơn 10 du khách. Địa điểm xảy ra tai nạn kinh hoàng đó cách hòn Phụ Tử trên 300 m.
Hòn Phụ Tử là một phần trong di tích thắng cảnh Hòn Chông được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1989.
(Theo Người Lao động)