Việc bảo tồn cây da di sản tại đường Hùng Vương, phường 1 được tiến hành khoảng ba tuần qua. Đơn vị thi công đã gia cố móng, đóng cọc bêtông để lắp khung thép chịu lực quanh thân và căn chỉnh bằng xe cẩu.
"Cây da nghiêng vào phía nhà dân hơn 3 m đã được đưa trở về vị trí thẳng đứng", ông Đào Duy Tâm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Công trình Đô thị TP Sa Đéc cho biết, ngày 13/11.
![Cây da trăm tuổi trên đường Hùng Vương, TP Sa Đéc. Ảnh: Long Hồ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/13/CAY-DA-SA-DEC-6372-1603773871-5093-1605240630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sg8ISnroDmpayDlrm9Ow8A)
Cây da 100 tuổi trên đường Hùng Vương, TP Sa Đéc. Ảnh: Long Hồ.
Sau khi chính quyền thỏa thuận với các hộ dân xung quanh, diện tích quanh gốc cây được mở rộng khoảng 40 m2. Đơn vị thi công xây tường bao bảo vệ, hoàn thiện hệ thống thoát nước vỉa hè, trồng thảm cỏ quanh gốc cổ thụ... Ngoài ra, để giữ dáng cây thẳng đứng lâu dài, khung sườn di động được lắp sát thân.
"Hiện các phần việc cơ bản đã hoàn tất, những hạng mục phụ sẽ hoàn thành trong tháng 11 này", ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Hoàng Sa, 47 tuổi, có nhà bị ảnh hưởng bởi cổ thụ cho biết, trước đây trên 86 m2 đất thổ cư của gia đình thì cây da án ngữ hết 19 m2. Qua những cơn bão năm 1985 và 2019, cây nghiêng đè hư hỏng một phần ngôi nhà.
"Để cây da được bảo tồn, gia đình tôi đã đồng ý đổi 45 m2 đất lấy một nền nhà 75 m2 tại khu dân cư cách trung tâm hơn một km", ông Sa cho biết.
![Đơn vị thi công lắp khung thép để cân chỉnh cây da về vị trí thắng đứng. Ảnh: Long Hồ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/13/LAP-KHUNG-THEP-BAO-VE-THAN-CAY-9278-8274-1605240630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BPEpu8_OiRe85ba_dmbp4Q)
Đơn vị thi công lắp khung thép để căn chỉnh cây da về vị trí thẳng đứng. Ảnh: Long Hồ.
Cây da trước đây cao 25 m, nhiều nhánh to, tán rộng hàng chục m2, thân gốc mục ruỗng. Tháng 8/2019, trong cơn mưa bão cây bị bật gốc, nghiêng 10-15 độ. Lo sợ nguy hiểm, một số hộ dân đề nghị chính quyền đốn hạ hoặc di dời cây nhưng không được chấp nhận vì đây là một trong hai cổ thụ trăm tuổi thuộc diện bảo tồn của TP Sa Đéc.
Sau đó, trong khi chờ tìm giải pháp bảo tồn cây di sản, địa phương cho cắt tỉa phần ngọn, cùng nhiều cành, nhánh to để cây tránh đổ.
Sa Đéc lên thành phố năm 2013, là trung tâm kinh tế, tài chính, giáo dục, văn hóa và du lịch ở phía Nam Đồng Tháp. Vùng đất Sa Đéc xưa có tên Khmer là Phsar Dek, nghĩa là Chợ Sắt. Giai đoạn 1976-1994, tỉnh lỵ của Đồng Tháp đặt ở Sa Đéc, sau đó dời về Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh).
Sa Đéc nổi tiếng với làng hoa được hình thành hơn 100 năm trước. Đến nay có hơn 2.300 hộ dân trồng 2.500 loài hoa kiểng khác nhau, với diện tích hơn 500 ha, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất miền Tây.
Cửu Long