Theo bà Minh, nghề cá ở Việt Nam là nguồn sống cho hàng triệu nông dân vùng đất ven sông, biển, vùng ngập nước mà hơn nửa số đó là phụ nữ. Cũng giống các nước Đông Nam Á, phụ nữ Việt Nam tham gia hầu hết các khâu, từ vá lưới, thu lượm cây và động vật nhỏ làm thức ăn cho cá, thu mua, chế biến và tiếp thị cá.
Hiện 85% lao động trong doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam là nữ. Phụ nữ cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong kinh doanh nguyên liệu, với không dưới 30% chủ vựa cá là nữ. Dù chưa có số liệu chính thức, song hiện có không dưới 30 nữ giám đốc doanh nghiệp thủy sản và đều thành công.
"Tôi đã hỏi một chủ tàu tại một cảng cá về doanh thu trung bình của mỗi chuyến đi biển và được trả lời rằng về tới bờ là tôi giao hết cho vợ, tôi lo nhậu đâu có nhớ”, bà Minh kể.
Lao động nữ phân loại ngao. Ảnh: MCD. |
Đóng vai trò quan trọng, nhưng phụ nữ làm nghề cá chịu nhiều thiệt thòi nhưng lương chỉ bằng 80% so với nam giới, bị mắc nhiều bệnh nghề nghiệp. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động, lạnh, ẩm ướt gây ra bệnh viêm xoang và họng cho 36% và bệnh thấp khớp cho 31% lao động nữ ở doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Nhận thức vai trò và những vấn đề phụ nữ phải đối mặt trong ngành thủy sản, mạng lưới công bằng nghề cá Đông Nam Á (SEAFish) đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng tại Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm tiến tới xây dựng một chương trình vận động chính sách tầm khu vực về phụ nữ với nghề cá.
Hồng Khánh