Ông J.R. Harris, sống ở New York, Mỹ đã đến hơn 50 quốc gia khắp thế giới. Ông cũng đặt chân tới những nơi xa xôi như Patagonia (thuộc lãnh thổ của Argentina và Chile) hay vùng hẻo lánh của Australia...
Harris dùng máy bay hoặc phương tiện công cộng khi di chuyển giữa các nước. Khi đến nơi, ông bắt đầu hành trình đi bộ đường dài để khám phá những vùng xa xôi, hoang dã của đất nước đó. "Tôi tò mò về mọi thứ", Harris nói về sở thích ở một mình tại những nơi hoang dã.
Hồi nhỏ, Harris từng được bố mẹ gửi đến một trại hướng đạo sinh tại dãy Catskill, đông nam New York và thấy rất phấn khích. "Tôi vừa nhảy, vừa la hét". Và chuyến đi đó đã góp phần thay đổi cách nhìn của ông về cuộc sống.
Trong thời gian ở trại, chàng trai Harris được dạy nhiều kỹ năng sống như cách đọc bản đồ, sử dụng la bàn, dựng lều, nhóm lửa và định hình được dấu vết động vật để phát hiện thú dữ hoặc động vật hoang dã quanh mình. Vào những năm 1950, ông bắt đầu thực hiện nhiều chuyến đi vòng quanh nước Mỹ bằng tàu. Bố Harris khi đó bán đồ ăn trên một đoàn tàu nên gia đình được giảm giá vé. Sau khi người bố mất việc vì hành khách chuyển dần từ tàu hỏa sang máy bay, các chuyến đi của Harris phải dừng lại.
Harris nhận ra mong muốn trở thành một nhà thám hiểm là khi một mình lái chiếc Volkswagen trong hai tuần tới vòng cực bắc ở Alaska. Trong hành trình này, khi đang ngắm nhìn những ngọn núi, Harris đã tự hỏi bên ngoài thế giới kia có gì. Trở về, Harris bắt đầu sắm những các thiết bị phục vụ cho việc đi bộ đường dài.
Khi có gia đình, Harris vẫn không dừng lại đam mê này. Ông truyền cảm hứng cho con gái và con trai. Các con Harris đều thích đi du lịch, nhưng chúng "thà đến miền nam nước Pháp nhâm nhi rượu vang còn hơn đến Iceland ngủ lều".Đôi khi, Harris cũng đi du lịch cùng bạn bè, và thích các chuyến đi này. Dù vậy, phần lớn hành trình, ông đều đi một mình.
Trong nhiều năm sau đó, Harris đã đi bộ đường dài qua dãy núi Rocky của Canada, dãy Andes ở Nam Mỹ hay Alps ở châu Âu. Ông đã đến dãy Pyrenees nằm giữa biên giới Pháp và Tây Ban Nha, rồi tới New Zealand. Vì muốn đi bộ trên sông băng, ông đã đến Greenland, đảo Baffin ở Bắc Cực (thuộc Canada) và công viên quốc gia Glacier, bang Montana, Mỹ... Ông cũng yêu thích những vùng sa mạc rộng lớn, Thung lũng Chết ở California, Mỹ cũng như Sahara, châu Phi... Harris thực hiện ít nhất một chuyến đi bộ đường dài mỗi năm, kéo dài nhiều tuần, mỗi chuyến hàng chục nghìn km.
Harris đặc biệt bị thu hút bởi cuộc sống và những người sống ở vùng sâu vùng xa. Ông thường chọn tiếp cận với thổ dân Australia hoặc người Quechua ở cao nguyên Andes để tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, lối sống của họ. "Tôi tò mò về văn hóa của họ, và muốn tận mắt chiêm ngưỡng".
Chuyến đi khó khăn nhất là qua vùng hoang dã tây nam của Tasmania, Australia năm 1992. Tuy nhiên, ông đã kiên trì, bền bỉ đi bộ đến đó, mỗi bước chân đều được coi là một nỗ lực lớn. "Tôi đã có một chuyến đi vất vả. Nhưng bài học tôi có được ở đó vẫn còn hữu ích cho đến nay".
Để có tiền trang trải các chuyến đi, Harris thành lập công ty tư vấn và nghiên cứu tiếp thị. Công ty sẽ do người em trai của ông điều hành mỗi khi Harris lên đường khám phá.
Harris cũng nhấn mạnh rằng dù thích khám phá nơi hoang dã hay đi du lịch một mình, thì an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Những thứ Harris mang theo trong các chuyến đi, phần lớn bao gồm thiết bị leo núi, đồ đi bộ, xoong nồi, bộ sơ cứu và máy lọc nước. Ngày nay, ông mang thêm một thiết bị cứu hộ được trang bị nút SOS để khi gặp khó khăn, có thể nhấn nút này và chờ đợi người đến cứu. Nhưng điều may mắn là Harris chưa phải sử dụng nút bấm trên.
Năm 1993, với thành tích đáng nể, Harris được mời vào Câu lạc bộ Những nhà thám hiểm ưu tú. Hiện tại, Harris còn nằm trong ban giám đốc của câu lạc bộ này. Harris thường đến các trường học ở khu vực nơi mình lớn lên hoặc đang sinh sống để truyền cảm hứng cho lũ trẻ. Ông mong muốn chúng lớn lên sẽ "đi ra ngoài thiên nhiên, và trở thành nhà thám hiểm", sống có ước mơ và thực hiện điều mình thích.
Anh Minh (Theo CNN)