![]() |
Họ phải vào vai vợ chồng hạnh phúc vì con cái. Ảnh: Fotosearch.com. |
Cả hai người đều rất thành đạt. Lan là phó giám đốc một trung tâm nghiên cứu, chồng giữ chức trưởng phòng trong một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Sau 10 năm chung sống, vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn và tình cảm ngày càng nhạt dần. Rồi Hiếu có người đàn bà khác và đưa đơn ly hôn. Lan giận tím mặt nhưng nhất định không ký. Điều kiện được thảo ra: cô chấp nhận để anh qua lại với kẻ thứ ba. Đáp lại, anh vẫn phải về nhà và đóng vai người chồng mẫu mực trước mặt mọi người. Trong các bữa tiệc ở cơ quan hay họp mặt bạn bè, người ta vẫn thấy hai người sánh đôi, cười nói, quan tâm như thủa nào.
"Chẳng lẽ lại để cho thiên hạ nói mình thế này mà bị chồng bỏ rơi để chạy theo một người đàn bà khác, kém mình về mọi mặt, vừa già, vừa nghèo, vừa học thấp. Nhất định, mình không để cho anh ta được đường đường chính chính lấy nó", chị tức tối kể với người bạn thân.
"Có nhiều lý do để người ta "đeo mặt nạ" cho cuộc hôn nhân của mình", chuyên viên tư vấn tâm lý Kim Cúc ở Trung tâm tư vấn Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam nói. Có người giả vờ vì sĩ diện của bản thân hoặc với gia đình, xã hội, sợ ảnh hưởng xấu đến địa vị, sự nghiệp. Chị kể, có người vợ gọi điện đến trung tâm thổ lộ nỗi bức xúc: chồng chị là công an nhưng bồ bịch tùm lum. Sau đó, anh ta lại cầu xin chị đừng làm to chuyện vì sẽ ảnh hưởng đến danh dự, sự nghiệp của mình. Dù rất đau khổ nhưng trước mặt mọi người, chị vẫn phải tỏ ra như không và đến giờ chưa biết nên làm thế nào.
Tuy nhiên, theo chị Cúc, đa số các cặp vợ chồng phải diễn vở "tổ ấm lý tưởng" vì nghĩ đến con cái. Họ muốn cho con vẫn được sống, hưởng bầu không khí bình yên, không bị xáo trộn về tâm lý, tình cảm.
Vợ chồng anh Thắng chị Mẫn là một ví dụ. Hai người sống với nhau gần 20 năm êm đẹp. Tình cờ, chị phát hiện chồng có quan hệ qua lại với cô thư ký. Không dằn mặt đánh ghen, không cãi nhau nảy lửa, chị bất cần nói: "Tôi chỉ yêu cầu anh hãy làm tốt vai trò của người cha cho đến khi con bé lớn thi đỗ đại học và tốt nghiệp". Và anh chị đã thoả thuận với nhau: trước mặt con cái, họ vẫn là đôi vợ chồng tâm đầu ý hợp. Anh sẽ thường xuyên trò chuyện, định hướng nghề nghiệp cho con, chị vẫn đảm đang thu vén gia đình. Nhưng khi còn lại hai người, họ không ai nói với ai một lời, cố gắng càng ít chạm mặt càng tốt.
Còn theo thạc sĩ Lê Thị Ngọc Bích, chuyên viên tư vấn tâm lý của Trung tâm tư vấn truyền thông thuộc Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam, phần lớn bi kịch này hay xảy ra ở những gia đình trí thức, có người vợ cam chịu.
Như trường hợp anh chị Tâm - Thắng ở Hà Tây, vẫn được mọi người cho là rất hạnh phúc. Nhà cửa đuề huề, hai đứa con một trai một gái đều tốt nghiệp đại học, đã đi làm.Chị đảm đang tháo vát, khéo chiều chồng, chăm con. Vậy mà... Hôm cưới chú út, thấy chồng uống rượu, chị Tâm nhẹ nhàng: "Anh đừng uống nhiều kẻo ảnh hưởng sức khoẻ". Anh đang ngà ngà, chỉ thẳng tay vào mặt vợ: "Mày im đi, tao đang vui với anh em họ hàng, mày đừng lắm chuyện". Cả nhà ngỡ ngàng hết nhìn anh lại nhìn chị. Chị không giấu nổi tiếng nấc nghẹn ngào. Thật ra, chuyện này vẫn diễn ra như cơm bữa, nhưng chỉ hai vợ chồng biết với nhau, chị chưa dám hé một câu với ai.
Anh vẫn thường xuyên say xỉn và mắng vợ, chửi con. Nhưng xấu chàng hổ ai, làm lu bu chỉ thêm xấu hổ với lối xóm, họ hàng. Con cái đã lớn, bố mẹ hai bên đều già, chị không muốn họ lại phải lo lắng, nghĩ ngợi, hổ thẹn với thôn xóm. Nghĩ vậy, chị tiếp tục nín nhịn, với họ hàng nội ngoại hay gặp bạn bè vẫn nói tốt về anh. Mà quả thật, trước mặt mọi người anh cũng vẫn thường nói năng với chị rất nhẹ nhàng, hay khoe công vợ chăm hai đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang. Nhưng giờ, khi mọi chuyện vỡ lở, mọi người nhìn anh chị vừa giận vừa thương.
Theo chuyên viên tư vấn Kim Cúc, "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", nên vợ chồng khó mà có thể đóng kịch cả đời. Hơn nữa, khi trẻ đã có nhận thức, bố mẹ dù có "diễn" đạt đến đâu, chúng vẫn có thể phát hiện ra. Nhiều đứa trẻ khi trưởng thành đã oán trách người lớn vì đã sống giả dối và lừa gạt chúng.
Còn thạc sĩ Ngọc Bích phân tích, bọn trẻ bây giờ rất tinh, có thể nó biết vấn đề của bố mẹ nhưng không nói ra, rồi tự thu mình lại, dễ mắc tính tự kỷ, tự ti, có đứa nghĩ rằng bố mẹ như thế là do lỗi của nó. Khi biết sự thật, nếu thiếu bản lĩnh hoặc có cá tính mạnh, nó có thể sao nhãng học hành, mất niềm tin ở người lớn và dễ sa ngã
Bản thân hai người phải "đeo mặt nạ" cũng sẽ rất ức chế. Khi tình cảm và sự tôn trọng đã mất, vợ chồng càng phải va chạm với nhau, người ta càng nhìn thấy những điểm xấu ở người kia. Có những người phụ nữ tìm gặp chị xin tư vấn trực tiếp vì thấy "muốn vỡ tung nếu tiếp tục không chia sẻ được với ai". Nếu những ức chế tâm lý này cứ tích tụ, sẽ có lúc bùng nổ và khi ấy, sự mất mát và những hậu quả của nó còn nặng nề hơn.
"Tốt nhất, vợ chồng nên thẳng thắn đối mặt với vấn đề, đánh giá cái lợi, cái hại để quyết định sống sống chung hay chia tay, chứ đừng sống giả dối với nhau, với mọi người và tự làm khổ mình như thế", bà Ngọc Bích khuyên.
Minh Thuỳ