Em tôi muốn kết hôn hợp pháp với người cô ấy chọn làm bạn đời. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không thừa nhận hôn nhân đồng giới, vậy phải làm sao?
Độc giả Vương Lan
Luật sư tư vấn
Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng cũng không cấm việc người đồng tính tổ chức lễ cưới hay chung sống với nhau.
Đứng ở góc độ quyền con người, người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc... Còn đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn... có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, xã hội. Thực tế cho thấy, vấn đề kết hôn giữa những người đồng tính là một vấn đề diễn ra phổ biến, công khai hiện nay.
Thực tế, để cho phép và công nhận hôn nhân đồng giới thì không chỉ dừng lại ở việc đưa ra một quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mà còn phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn: bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con... cùng với đó sẽ phát sinh các vấn đề sửa đổi hộ tịch.
Do vậy, việc công nhận hôn nhân đồng giới không chỉ do ý chí của các nhà lập pháp mà còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan về văn hóa, xã hội. Hơn nữa, như đã phân tích trên, việc thay đổi, ban hành một chính sách pháp luật mới còn cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác trong hệ thống pháp luật để thống nhất thực hiện, đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA