Steve Roberts 50 tuổi kể rằng kẻ lừa đảo kia quen biết vợ ông qua mạng xã hội, tự xưng là anh hùng chiến tranh Mỹ đang cần tiền giúp một em bé trị bệnh và yêu cầu số tiền này được chuyển tới Nigeria. Vợ Roberts thú nhận mọi chuyện sau khi chồng tìm thấy chiếc điện thoại bí mật giấu dưới gầm giường, vào đầu năm nay.
"Cô ấy có thể là nạn nhân của kẻ lừa đảo nhưng cuộc sống của tôi cũng sụp đổ theo. Không thể miêu tả được chuyện này gây ra căng thẳng như thế nào", Roberts nói.
Sau khi lên mạng tìm kiếm, Roberts nhận ra ảnh đại diện được "nhân tình" của vợ sử dụng thuộc về một quân nhân Mỹ đã mất từ năm 2012. Tấm hình đó cũng bị nhiều kẻ lừa đảo khác lấy dùng.
"Thế mà cô ấy vẫn tin những gì mình có với hắn ta là sự thật. Mất nhiều tuần tôi mới thuyết phục được cô ấy rằng gã kia là kẻ lừa đảo", Roberts kể.
Tháng 4 năm nay, Roberts ly thân vợ. Cảm thấy không thể hàn gắn, ông quyết định ly hôn và đang trong quá trình làm thủ tục.
"Chúng tôi đã ở bên nhau hơn 20 năm. Tôi nghĩ mình hiểu rõ vợ nhưng tôi đã lầm", Roberts giãi bày. "Không hề có dấu hiệu bất ổn nào trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Giờ thì cả các con tôi cũng bị ảnh hưởng mà tôi không biết giải thích thế nào cho chúng".
Vợ Roberts chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân bị lừa tình ở Anh. Trong các vụ lừa tình, nạn nhân bị "người yêu" qua mạng thuyết phục gửi tiền. Những kẻ lừa đảo thường dành nhiều thời gian nói chuyện, xây dựng niềm tin với nạn nhân trước khi tạo ra cái cớ nào đó nhằm lấy tiền.
Khảo sát ở Anh cho thấy nửa đầu năm 2019, 935 người dân nước này đã bị lừa tình với tổng số tiền lên tới 7,9 triệu bảng, trong đó chỉ 500.000 bảng được hoàn trả. Các chuyên gia nhận định dữ liệu thực tế có thể lớn hơn rất nhiều bởi hầu hết nạn nhân quá xấu hổ, không dám trình báo.
Minh Trang (Theo The Sun)