Đây là một trong 5 dấu hiệu cấu thành hành vi dâm ô đối với trẻ em được nêu trong Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn áp dụng trong xét xử án xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Nghị quyết được công bố sáng nay, ai làm những việc sau với người dưới 16 tuổi sẽ bị xác định có hành vi dâm ô theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015: dùng các bộ phận của cơ thể hay dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của nạn nhân; dụ dỗ, ép buộc tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của mình hoặc người khác.
Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ, hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.
Trả lời VnExpress, TAND Tối cao cho biết không phải cứ tiếp xúc vào vị trí nhạy cảm của trẻ em đều bị quy kết. Hội đồng thẩm phán hướng dẫn không xử lý hình sự với người trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng như người khám chữa bệnh hay làm việc vì mục đích giáo dục...
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn chính thức, chưa có định nghĩa thống nhất, tại Nghị quyết này ngoài nêu khái niệm "dâm ô" TAND Tối cao đã giải thích thế nào là "giao cấu", "xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi", "hành vi quan hệ tình dục khác"...
Từ ngày Nghị quyết có hiệu lực (5/11), trong xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, thẩm phán không cần phải mặc áo choàng đồng phục, hạn chế triệu tập nạn nhân. Trường hợp cần triệu tập, thẩm phán không được hỏi nhiều câu một lúc, không được yêu cầu nạn nhân kể lại chi tiết; không dùng câu hỏi khiến các bé cảm thấy xấu hổ, xúc phạm hoặc bị đe dọa. Đặc biệt, bản án, quyết định liên quan tới vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi cũng không được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tòa án.
Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày 5/11 theo các quy định và hướng dẫn trước đó thì không căn cứ vào đây để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Quốc Đạt