Tại TP HCM, gần 158.000 thí sinh của 7 tỉnh thành gồm TP HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến làm thủ tục dự thi tại 8 cụm thi quốc gia. Tại cụm thi Đại học Công nghiệp TP HCM, gần 20.000 thí sinh đã có mặt tại 18 điểm thi để nghe quy chế thi và chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ.
Tỏ ra khá lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Lê Tuấn Anh cho biết ngoài ba môn Toán, Văn, Anh còn đăng ký thi thêm môn Vật lý, Hóa học và Sinh học để đăng ký xét tuyển đại học. Phải thi 6 môn cùng một lúc nên Tuấn Anh khá căng thẳng vì phải học ôn rất nhiều.
Nhiều thí sinh tại Đại học Công nghiệp cho biết trên thẻ dự thi mới được phát có nhiều lỗi sai như ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, đặc biệt giấy báo dự thi của nhiều em cùng bị sai về địa điểm cư trú. Thí sinh Nguyễn Văn Trí cho biết địa chỉ nhà được đánh trùng lặp tới hai lần. Còn em Nguyễn Viết Thịnh cuống cuồng khi thấy tên mình trên thẻ dự thi là Nguyễn Viết Tịnh...
Để trấn an thí sinh, giám thị Nguyễn Tất Sơn cho biết những lỗi sai sẽ được giám thị ghi nhận, sau đó báo lên cho hội đồng thi để có cách giải quyết sớm nhất. Theo thầy Sơn, những lỗi này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình làm bài hay kết quả thi của các em.
Tại Hà Nội, hàng nghìn thí sinh và người nhà cũng đã đổ về điểm thi ở Đại học Bách khoa Hà Nội để làm thủ tục. 8h mới đến thời gian làm quy chế nhưng nhiều sĩ tử vì lo lắng, sợ tắc đường đã có mặt khá sớm. Một nhóm thí sinh được đưa đến bằng xe công vụ.
Thí sinh Nguyễn Văn Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sai sót giấy tờ phổ biến nhất trong phòng thi của em là số chứng minh thư. Sáng nay, từ nhà đến trường thi, thí sinh này bị tắc đường một số đoạn. Do xe cộ đông cộng thêm cái nắng gay gắt từ sáng sớm khiến Nam mệt mỏi. “Có lẽ ngày mai em sẽ phải đến trường thi sớm hơn để đảm bảo sức khoẻ”, thí sinh cho biết.
Theo TS Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, buổi sáng đã có một số thí sinh bị sốt xuất huyết, đau ruột thừa. “Thí sinh nên lưu ý nếu có bất cứ triệu chứng bệnh tật gì phải có giấy chứng nhận của bệnh viện dùng trong trường hợp đặc cách xét tốt nghiệp. Để xét tuyển đại học, thí sinh phải có điểm đầy đủ các môn thi. Trường hợp bị sốt nhưng vẫn có thể làm bài thi, nhà trường có thể kiểm tra và cách ly như cho ngồi bàn cuối để tránh lây lan”, ông Sơn nói.
Tại điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành (Hội đồng thi Đại học Sư phạm Hà Nội), nhiều phụ huynh cùng thí sinh tập trung đến từ sớm, ngồi dưới bóng cây, ghế đá để tránh nắng nóng. Đúng 8h, các thí sinh tập trung vào phòng để làm thủ tục dự thi. Do tắc đường, nhiều em đến muộn gần 30 phút so với giờ quy định, được cán bộ phòng thi nhắc nên tập trung đúng giờ vào buổi thi sau.
Các thí sinh nhanh chóng kiểm tra thông tin trên giấy báo, thẻ dự thi. Ghi nhận tại các phòng không có nhiều sai sót, nếu có phần đa là sai môn thi. Em Đỗ Quốc Cường đăng ký thi 4 môn là Anh, Văn, Địa, Sử, nhưng bị nhầm môn Sử thành Sinh. Cường nhanh chóng báo lại cho giám thị, sau đó sẽ lên Hội đồng thi để chỉnh sửa để yên tâm bước vào kỳ thi.
Ngoài chỉnh sửa sai sót, kiểm tra thông tin trên thẻ dự thi, giám thị còn cẩn thận dặn dò thí sinh không mang điện thoại, ví tiền, vật dụng đắt tiền vào phòng trong suốt kỳ thi. Ngoài trái quy định, thí sinh còn dễ bị mất tài sản do không có người trông coi.
Ảnh: Thí sinh đội nắng đến làm thủ tục dự thi THPT quốc gia
Điểm thi số 2 của Hà Nội do Đại học Kinh tế quốc dân chủ trì trong sáng nay có gần 98% thí sinh đến làm thủ tục dự thi, chỉ 2,05% vắng mặt và đều rơi vào thí sinh tự do. Dù đã trải qua 3-4 vòng thông báo, nhắc nhở, nhưng vẫn có một số sai sót trong hồ sơ của thí sinh. "Có một thí sinh bị bệnh gan đến xin không dự thi ở tất cả môn đã đăng ký", Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Quang Dong nói.
"Cụm thi Đại học Kinh tế quốc dân có một phòng chỉ 6 thí sinh thi môn Lịch sử. Cả 6 em này đều mới được bổ sung hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường công an, quân đội. Vì là mới đăng ký bổ sung nên chúng tôi dành riêng một phòng thi cho những em này", Ban chỉ đạo cụm thi số 2 cho hay.
Tại Nghệ An, từ 7h nắng đã chói chang, lượng người tham gia giao thông trên các tuyến phố đông đúc hơn rất nhiều so với ngày thường. Tại khu vực đường Lê Duẩn, nơi có Đại học Vinh, hàng trăm sinh viên tình nguyện nắm tay nhau ngăn các lối qua đường để chống ùn tắc. Hơn 7h hàng nghìn thí sinh đã tới các điểm thi và chỉ sau 2 tiếng là hoàn tất.
Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Đại học Vinh, Chủ tịch Hội đồng coi thi cụm thi Vinh cho biết, trong sáng nay đã có hơn 36.360 thí sinh Nghệ An, Hà Tĩnh đến làm thủ tục tại hơn 60 điểm thi ở cụm Vinh, đạt tỷ lệ 97,7%. "Không có trường hợp nào thí sinh bị sai sót hồ sơ nghiêm trọng", ông Khoa thông tin.
Tại hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh) dành cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, do đến muộn nửa tiếng, khi bảo vệ chưa kịp mở cửa, một số em đã trèo tường vào. Một số quên chứng minh thư nên phải gọi điện cho người nhà mang tới. Đến 9h sáng, vẫn còn một vài em mới tới làm thủ tục.
Nhiều học sinh khi tới đăng ký dự thi đã mặc quần ngố, áo phông. Lãnh đạo điểm thi đã phát loa nhắc nhở nếu ngày mai còn mặc như thế sẽ xử lý. “Phát hiện thí sinh ăn mặc không phù hợp, chúng tôi đã yêu cầu giám thị quán triệt mọi quy chế, yêu cầu ăn mặc chỉnh tề. Nhiều em tới muộn, dẫn tới việc trèo tường vào, có thể do nhà xa, tính chủ quan”, thầy Nguyễn Hồng Hải, điểm trưởng THPT Nguyễn Thị Minh Khai, giải thích.
Tại cụm thi số 27 Đại học Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), sáng nay có 897 thí sinh vắng mặt trong tổng số 30.898 em ở Đà Nẵng và Quảng Nam đăng ký dự thi. Cụm thi này tiếp nhận một thí sinh thị lực yếu, đề nghị được thi các môn trắc nghiệm trên giấy thi tự luận; một thí sinh bị ốm, phải nhập viện.
Trước đó ngày 29/6, Đại học Đà Nẵng đã báo cáo với Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga về việc phối hợp với Sở Giáo dục Quảng Nam đưa đề về điểm thi trước một ngày, do điều kiện đi lại tại các huyện miền núi Quảng Nam bị cách trở. Thứ trưởng Ga chỉ đạo Đại học Đà Nẵng dù chuyển đề về trước vẫn phải cẩn thận, tránh mở nhầm đề gây ra sự cố.
Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả), năm nay lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Kỳ thi được đánh giá là sự đột phá trong đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy và trung thực, đồng thời cung cấp căn cứ làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 1.004.480 thí sinh dự thi, trong đó có hơn 279.000 em chỉ để xét tốt nghiệp, số còn lại là thi với hai mục đích tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Nhóm phóng viên