Cơ quan nợ tiền mẹ tôi hơn một năm, đó là sự thật. Khi mẹ tôi kể ra, nhiều người hoảng hốt: "Thật vậy sao"? "Tội chị quá" nhưng tôi biết người ta chẳng tin, mà cũng chẳng dám tin bởi với vốn hiểu biết hạn hẹp của tôi, có thể ở đâu đó vẫn có nhưng người ta không đưa tin, chẳng có nơi nào lại nợ tiền người lao động lâu đến thế. Nếu có, tôi sẽ đưa mẹ xem ngay để mẹ thấy mình không đơn độc. Dù nghe mẹ kể có tách bạch tiền bài viết với lương, nhưng với thời buổi hiện nay, với nghề của mẹ, chỉ lương thôi không bao giờ đủ. Để cho dễ hiểu thì người đi làm sẽ có cảm xúc gì khi chỉ nhận được một phần lương? Chắc chắn không thể nào hài lòng.
Mỗi khi có lương, tôi đều dành dụm để đưa cho mẹ, dù lắm khi mẹ từ chối. Có lần tôi đọc bài báo, các thành viên của một đội thể thao nào đó chỉ vì bị nợ lương vài tháng đã làm loạn, bỏ tập luyện, với mẹ tôi là một năm hơn, chính xác 13 tháng. Bị nợ là vậy nhưng mẹ và những người khác không ai dám lên tiếng. Tôi không có kiến thức về chuyên ngành của mẹ, chỉ thường nghe mẹ than rằng có ý kiến sẽ bị đưa vào danh sách đen, rồi bị sa thải, dưới cái mác "tinh giản biên chế". Tôi hay kêu mẹ và những người khác cùng lên, chỉ cần tất cả đồng lòng, treo băng rôn, đình công..., biết đâu mọi chuyện sẽ khác. Bố, một người tôi luôn kính trọng, đã nhắc cho tôi nhớ rằng từng có những người vùng lên rồi lại bị chìm.
Không có tiền bài viết nhưng khối lượng công việc của mẹ lại nhiều hơn vì đòi hỏi từ cấp trên, mẹ buộc phải làm tốt. Những đồng nghiệp của mẹ vẫn đi sớm về khuya, thức đêm thức hôm, làm không công và phải đạt yêu cầu. Không làm đương nhiên không có lương, tôi nghĩ mọi người đi làm với suy nghĩ rằng: "Biết đâu ngày mai cơ quan sẽ trả". Thật kỳ lạ, hóa ra nợ tiền lại là động lực để tất cả làm tốt hơn. Mẹ không dám nghỉ , bởi nghỉ sẽ chẳng được gì sau cả thanh xuân cống hiến.
Hậu quả của việc thiếu tiền, cách nói đơn giản của việc không được trả tiền bài viết chắc ai cũng mường tượng được. Tết năm nay có vài đồng nghiệp của mẹ không dám về quê, rồi những người có con học ở trường tư, hay chỉ những vấn đề cơ bản trong cuộc sống hàng ngày cũng khiến họ suy nghĩ bạc cả tóc. Còn với mẹ, chủ đề quen thuộc trong mỗi bữa cơm là vấn đề cơm áo gạo tiền, phải buôn bán thêm thứ gì cho đủ, những lời than thở thốt lên vì không có động lực để đi làm. Đôi lúc mẹ nổi nóng vô cớ, khiến tôi cũng vặc lại. Những buổi đi du lịch cuối tuần gần như biến mất, nhưng cho dù thế nào, mẹ vẫn làm.
Tôi không tưởng tượng cảnh mỗi sáng dậy đi làm rồi nghĩ mình không có lương sẽ như thế nào. Bố và tôi sẽ cố gắng hết mình để giúp mẹ, giúp cả nhà vượt qua khó khăn. Chúng tôi luôn làm hết công việc nhà có thể để mẹ đỡ cực hơn. Nhiều khi, tôi chỉ quên bấm nút máy giặt, mẹ đã gắt um lên. Nhưng thôi, chẳng sao cả. Bài viết này chỉ để tâm sự, để kể lể, sự khó khăn này có lẽ là của chung nhiều người. Vẫn như mọi khi, mong cho năm mới mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.
Thi Ngân