Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết người đàn ông này bị viêm gan B mạn tính, điều trị bằng thuốc kháng virus hai năm nay. Gần đây anh uống thuốc nam bán trên mạng. Nhiều ngày sau, bệnh nhân vàng da, vàng mắt, không thể đi tiểu, lơ mơ, hôn mê, xét nghiệm chức năng gan rất xấu, nhập viện hôm 26/9.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc xơ gan do viêm gan B mạn tính, nghi ngộ độc do uống thuốc nam. Hiện, tình trạng tiên lượng nặng, bác sĩ cố gắng tìm căn nguyên gây ngộ độc để cứu bệnh nhân.
Theo bác sĩ Cấp, rất nhiều người bệnh viêm gan B tăng nặng do tự ý sử dụng thuốc nam, có trường hợp tử vong, bác sĩ không thể cứu chữa.
"Bệnh viêm gan B mạn tính rất khó điều trị dứt điểm. Những lời quảng cáo nói rằng sẽ điều trị khỏi bệnh viêm gan B mạn tính là không đáng tin", bác sĩ Cấp cảnh báo.
Bác sĩ Mai Đình Cửu, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết người tự ý sử dụng thuốc nam, bỏ thuốc điều trị viêm gan thường nhập viện trong tình trạng nặng. Hậu quả rất đáng tiếc, ví dụ bị xơ gan mất bù, ung thư...
Về nguyên tắc, khi bệnh nhân bỏ thuốc điều trị, virus đang bị ức chế nay không còn được kiểm soát, bệnh bùng phát và nặng hơn nhiều lần. Nguy cơ virus kháng thuốc tăng, góp phần tăng nặng xơ gan và ung thư hóa gan, đặc biệt với bệnh nhân tiền sử viêm gan B.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân mắc viêm gan B, C cần tuân thủ điều trị, khống chế tiến triển của virus để ngăn chặn nguy cơ xơ hóa gan, loại bỏ nguy cơ đề kháng kháng thuốc, tổn thương gan nặng nề.
Những người đã mắc viêm gan virus cần tuân thủ điều trị, khám bệnh định kỳ, chủ động kiểm soát bệnh, tránh để lâu, bệnh nặng mới chữa. Khi đã điều trị, người bệnh không được bỏ uống thuốc.
Chi Lê