Sân khấu được thiết kế với hàng chục gốc sứ cổ thụ, lối đi ngập tràn hoa thạch thảo và lá vàng. Chương trình hôn lễ gồm các phần trình diễn áo dài, tái hiện câu chuyện của y bác sĩ ở những điểm nóng dịch bệnh, biểu diễn áo cưới của các đôi uyên ương... Nguyên phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga... đến chung vui cùng các cặp đôi.
Đại tá, tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết trong suốt hai năm dịch Covid-19 vừa qua, nhiều y bác sĩ trẻ cũng như một số các đơn vị tuyến đầu lao vào chống dịch, không được tổ chức lễ cưới, hưởng hạnh phúc đương nhiên của lứa đôi khi đã đăng ký kết hôn. Đến nay, khi dịch đã bớt căng thẳng, lãnh đạo bệnh viện quyết định tổ chức đám cưới tập thể để bù đắp một phần thiệt thòi, đồng thời động viên, tri ân những gì mà các bạn trẻ đã cống hiến suốt thời gian qua.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chủ hôn của lễ cưới, bày tỏ "niềm hạnh phúc trong hoàn cảnh đặc biệt, không gian đặc biệt, với tính chất, thời gian và địa điểm đặc biệt". Ông cảm ơn các cặp đôi, những người đã dũng cảm gác lại tất cả sau lưng, lao vào cuộc chiến sinh tử và chiến thắng trở về, đồng thời cho rằng "tất cả những gì chúng ta làm ngày hôm nay cho các bạn vẫn là chưa đủ".
Bệnh viện Quân y 175 nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là nhà thiết kế Minh Hạnh, tổ chức đám cưới cho các cặp y bác sĩ trong chương trình nghệ thuật "Mạch Sống" ngay tại khuôn viên viện. Các đôi uyên ương trong trang phục cô dâu chú rể, chụp ảnh cưới trên sân đỗ trực thăng ở nóc tòa nhà cũng như khuôn viên Bệnh viện. Họ được tài trợ nhẫn cưới, bộ chăn, drap, gối, vé bay nội địa hưởng tuần trăng mật...
Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết hình ảnh các y bác sĩ tuyến đầu trong đợt cao điểm dịch vừa qua đã lay động trái tim, thôi thúc bà cùng đồng nghiệp hoàn thành gấp rút bộ sưu tập áo dài với chất liệu lụa truyền thống, dựng lại hành trình các y bác sĩ có mặt tại những điểm nóng nhất, xa nhất, nhiều rủi ro nhất như các bệnh viện dã chiến, cấp cứu từ Trường Sa, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan... "Họ chính là những anh hùng, đã làm việc một cách tận tuỵ, hy sinh thầm lặng, tạm gác mọi công việc riêng, quên đi hạnh phúc riêng tư, kể cả việc tổ chức hôn lễ để dấn thân vào trận chiến", bà Hạnh chia sẻ.
Nhiều lần hoãn cưới
Cô dâu Hoài Thu (Khoa Răng) và chú rể Văn An (Khoa Hồi sức Ngoại) phải lòng nhau khi tham gia lực lượng "mũ nồi xanh" của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, năm 2018. Trở về Việt Nam, cặp đôi dự định tổ chức đám cưới đầu năm 2020. Dịch bùng phát, đám cưới lùi lại cuối năm, sau đó dời sang năm 2021 cũng không thực hiện được.
"Cuộc đời người con gái chỉ có một lần mặc váy cưới, lên xe hoa, tổ chức đám cưới mà phải hoãn đi hoãn lại vẫn không tổ chức được, tôi rất thương vợ", anh An bày tỏ. Hoài Thu mang thai thời điểm chồng tham gia chống dịch, không thể ở cạnh chăm sóc nên anh càng xót cho những thiệt thòi của vợ. Chị từng "khóc như mưa" lúc hay tin chồng mắc Covid-19 trong thời gian điều trị F0, mà mình không thể ở bên chăm sóc. Khi dịch được kiểm soát, TP HCM trở về trạng thái "bình thường mới" cũng là lúc con trai hai người chập chững biết đi.
Cùng hoàn cảnh như đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung (Khoa Hồi sức Cấp cứu), trực tiếp bước vào trận chiến căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, khi vợ anh - cũng là bác sĩ tại bệnh viện - mang thai gần hai tháng, gia đình hai bên đều ở xa. Những ngày đầu, bệnh nhân tăng cao, bệnh viện còn thiếu trang thiết bị, có lúc hai sản phụ cần thở ECMO nhập viện nhưng chỉ còn một chiếc máy. Nghĩ đến người vợ cũng đang mang thai, cùng với lương tâm của người thầy thuốc, anh đề xuất chia đôi máy ECMO. Phương án này được hội đồng bệnh viện, các chuyên gia thông qua, giúp hai sản phụ sau đó đã hồi phục ngoạn mục và xuất viện. Dịp Tết Nguyên đán, con trai đầu lòng của anh cũng khỏe mạnh chào đời.
Vợ anh vẫn chưa được lên xe hoa, dù đã chuẩn bị các thủ tục cho lễ cưới từ một năm trước. "Khi bệnh viện tổ chức đám cưới tập thể, tôi đăng ký ngay vì còn nợ vợ một đám cưới, chỉ hơi lo một chút vì vợ mới sinh", bác sĩ Chung nói và cho rằng "đây là một đám cưới ý nghĩa nhất đối với chúng tôi, ngay tại nơi hai vợ chồng công tác".
Trong khi đó, điều dưỡng Trần Thị Thúy Hằng tham gia chăm sóc các F0 khi bệnh viện thiết lập Trung tâm Điều trị Covid-19, từ tháng 7/2021. Trước Tết Nguyên đán, chị mới được gặp lại chồng chưa cưới sau hơn nửa năm xa cách nhưng vẫn đeo khẩu trang, hạn hế tiếp xúc để đảm bảo an toàn cho mọi người. Lúc cao điểm dịch, bệnh nhân nhập viện tăng cao, chị và đồng nghiệp làm việc không có thời gian nghỉ ngơi, kế hoạch tổ chức hôn lễ phải tạm hoãn. Cặp đôi duy trì liên lạc qua những cuộc gọi lúc rảnh rỗi sau ca trực của chị, để biết nhau vẫn bình an.
Chồng chưa cưới của chị từng mắc Covid-19 tháng 10 năm ngoái nhưng giấu kín vì sợ chị lo lắng, ảnh hưởng công việc. "Đến khi khỏi bệnh anh mới kể lại, tôi cảm thấy mình bất lực, không làm được gì cả. Mình đi chống dịch, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, vậy mà người thân của mình mắc bệnh lại không thể kề bên", chị Hằng chia sẻ.
Cặp đôi Lê Thị Huỳnh Như (nhân viên Ban quản lý chất lượng, Bệnh viện Quân y 175) - Trần Tấn Lộc (giảng viên Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM) cũng nhiều lần lên kế hoạch cưới rồi gác lại. Anh chị yêu nhau từ chương trình tình nguyện mùa hè xanh, cách đây 9 năm, đã tổ chức lễ đính hôn vào giữa năm ngoái. Thành phố bùng dịch, Huỳnh Như tham gia chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, không có thời gian chuẩn bị nên hoãn đám cưới.
Chú rể Lực cho biết rất trân trọng nghề nghiệp của vợ. Bình thường vợ chồng hay gặp nhau đi ăn uống cuối tuần, đến khi bùng dịch, Như phải cấm trại khiến anh rất lo lắng. "Tôi chuẩn bị trái cây, đồ ăn mang vào bệnh viện, treo ở hàng rào cho vợ", anh Lực nói.
Cùng công tác tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Quân y 175, điều dưỡng Hoàng Văn Huy và vợ là điều dưỡng Hà Thị Kim Cúc không thể quên ngày 18/7/2021, ngày cưới trong kế hoạch cũng là ngày anh sắp xếp quần áo vào vali để lên đường nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Điều trị Covid-19. "Cảm giác khi ấy khó tả lắm", Kim Cúc nói.
Sau đó một tuần, Cúc cũng nhận nhiệm vụ ở khoa cấp cứu, túc trực tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Những tháng ngày chống dịch, cùng làm tại bệnh viện nhưng cả hai không thể gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng đứng nhìn nhau qua cánh cửa sắt trong những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi.
Lê Phương