Tác phẩm gồm chín chương, viết theo dòng lịch sử, về sự hình thành và phát triển của hệ thống giáo dục bậc cao Mỹ, từ một hệ thống hỗn độn, không kế hoạch, nhiều khuyết điểm đến là hình mẫu cho thế giới.
Theo tác giả David F. Labaree, giáo dục không chỉ cho sinh viên cơ hội việc làm, mà còn cung cấp nguồn nhân lực phát triển cho nhiều quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Giáo dục bậc cao của Mỹ được xây dựng từ nền tảng giáo dục châu Âu, nhưng bị các học giả nước ngoài xem là nghèo nàn vào thế kỷ 19. Đến nửa sau thế kỷ 20, hệ thống được xem là hàng đầu thế giới với nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, 40% người đoạt giải Nobel năm 1901-2013 là công dân Mỹ, 49% người đoạt giải Nobel từ năm 2000 đến 2014 là học giả từ các đại học Mỹ.
Bên cạnh thành công, các trường học Mỹ từng gặp khó khăn trong những năm đầu thành lập. Họ phải dựa vào học phí của sinh viên và tiền quyên góp của cựu sinh viên để duy trì hoạt động. Nhưng để thực hiện mục tiêu trở thành nền tri thức tiên tiến, lãnh đạo nhà trường tự chủ tìm nguồn hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho sinh viên thực hiện các nghiên cứu sau đại học.
Bằng cách dẫn dắt súc tích, tác giả mở ra bức tranh về lịch sử phát triển của trường chất lượng hàng đầu thế giới Harvard, Stanford, Chicago, Boston, Berkeley và Oregon. Từ đó, sách đề cao thông điệp: Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể quyết định tương lai của các trường đại học. Giáo dục phải đáp ứng nhu cầu của xã hội, thay đổi để phù hợp với các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh.
Cuốn sách nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Học giả về giáo dục đại học William Tierney nhận xét: "Hỗn độn hoàn hảo là cuốn lược sử với quan điểm rõ ràng. Labaree cho rằng có cách thức hoạt động của nền giáo dục bậc cao Mỹ, và chúng ta được khuyên cần tiếp tục đi theo lộ trình này, dù có điên rồ đến đâu đi nữa".
Tạp chí American Journal of Education viết: "Không giống một số sách bàn về giáo dục đại học, Labaree hướng người đọc dõi theo lập luận của ông thay vì nhồi nhét nhiều chi tiết". Paul Reitter - đồng tác giả cuốn The Rise of the Research University - viết: "Bằng lối văn lưu loát, Labaree trình bày những hiểu biết mới về động lực đằng sau sự thành công của giáo dục. Một vài điều trong số đó sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên và dẫn tới tranh luận".
David F. Labaree từng là giáo sư Đại học Stanford, hiện về hưu. Hướng nghiên cứu chính về lịch sử, giáo dục theo định hướng xã hội học. Các công trình nghiên cứu của Labaree tập trung khám phá các quy trình và mô hình xác định mối quan hệ giữa giáo dục và xã hội ở Mỹ. Các tác phẩm của ông từng được xuất bản như The Trouble with Ed Schools (2004), Someone Has to Fail (2010).
Quế Chi