Khoảng 30 con cầy mangut có khả năng kháng nọc độc được thả trên đảo Amami Oshima, Di sản Thế giới do UNESCO công nhận, vào cuối thập niên 1970 để săn quần thể habu, loài rắn thuộc họ Rắn lục có thể gây chết người, theo AFP. Tuy nhiên, những con rắn chủ yếu hoạt động vào ban đêm khi cầy mangut mải ngủ, vì vậy loài động vật có vú này đã chuyển sang thỏ Amami ở địa phương, khiến số lượng thỏ giảm mạnh.
"Cầy mangut hay hoạt động vào ban ngày nên ít tiếp xúc với rắn habu hoạt động về đêm", một nhà chức trách địa phương cho biết.
Thỏ Amami chỉ sống trên đảo Amami Oshima và một hòn đảo khác, nằm trong danh mục loài nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Trong khi đó, số lượng cầy mangut bùng nổ, tăng lên 10.000 con vào năm 2000. Nhà chức trách Nhật Bản bắt đầu một chương trình tiêu diệt cầy mangut, bao gồm chó đánh hơi được huấn luyện đặc biệt. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố hòn đảo sạch bóng cầy mangut hôm 3/9, gần 25 năm sau khi bắt đầu chương trình và gần 50 năm sau khi đưa ra sáng kiến.
"Đây là tin tức tốt đối với việc bảo tồn hệ sinh thái quý giá trên đảo Amami", thống đốc Koichi Shiota, chia sẻ. "Có nhiều bài học chúng ta nên học hỏi từ tác động lên hệ sinh thái bản xứ mà cầy mangut mang lại, cũng như nỗ lực và chi phí cần thiết để xóa sổ chúng".
Cầy mangut là động vật ăn thịt nhỏ chủ yếu sinh sống ở châu Phi, nhưng cũng phân bố ở phía nam châu Á và châu Âu. Chúng nổi tiếng với những màn tấn công táo bạo nhằm vào các động vật lớn hơn, thường săn thằn lằn, côn trùng và rắn độc. Theo New Scientist, cầy mangut tránh đòn của rắn bằng cách di chuyển rất nhanh. Chúng không bị ảnh hưởng bởi nọc độc rắn do có các thụ thể acetylcholine đặc biệt miễn dịch với chất độc trong nọc.
Hơn 37.000 loài ngoại lai đang lan khắp thế giới từ quê nhà của chúng, gây ra thiệt hại lên tới 400 tỷ USD/năm, theo một báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc.
An Khang (Theo AFP)