Sớm 25/6, hơn 900.000 thí sinh cả nước khẩn trương đến các điểm thi THPT quốc gia để 6h30 bắt đầu vào phòng thi và một tiếng sau làm bài thi Ngữ văn trong 120 phút.
Tâm trạng thí sinh trước giờ thi Văn.
Hà Nội sáng nay trời mát chỉ 28 độ C. Tại điểm thi trường Lê Quý Đôn, nhiều em đến muộn, phải lách qua cánh cổng an ninh và chạy thật nhanh vào phòng thi.
Tại điểm thi trường THPT Kim Liên, chưa đến 6h đã đông đúc thí sinh. Nguyễn Thị Minh Anh cho biết đã ôn kỹ chương trình Ngữ văn lớp 12 nhưng lớp 11 chỉ học một vài bài quan trọng. Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề chính thức sẽ có 20% nội dung chương trình lớp 11. Vì thế, Minh Anh và các bạn cùng lớp ở THPT Đống Đa chỉ chú tâm ôn tập kiến thức lớp 12.
"Em không quá lo lắng về môn thi đầu tiên bởi theo Bộ bài Ngữ văn sẽ không yêu cầu học thuộc và ra theo hướng mở, chú trọng việc để học sinh trình bày quan điểm", nữ sinh nói. Với cách ra đề đó, ngoài việc học trong sách giáo khoa, Minh Anh còn cập nhật thêm thông tin thời sự chính trị, những vấn đề nóng, để lúc làm bài thi có thể kết hợp đưa vào.
Là thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng tổ hợp môn thi khối A (Toán, Lý, Hóa), Đỗ Chí Công (THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa) khá lo lắng với môn thi đầu tiên. Cả năm học lớp 12, nam sinh tập trung ôn tập, học thêm Toán, tiếng Anh và một tháng gần đây phải đến lò luyện cấp tốc môn Ngữ văn.
"Đây chỉ là môn thi để xét tốt nghiệp THPT, nhưng khi làm đề tham khảo, em thấy hơi hoang mang vì đề phân hóa mạnh, có cả kiến thức lớp 11", Công nói. Giống như nhiều sĩ tử, em chủ yếu ôn tập chương trình lớp 12 và học lướt nội dung quan trọng trong chương trình lớp 11.
Vào phòng thi, giám thị sẽ một lần nữa nhắc nhở thí sinh về quy chế làm bài, đặc biệt nhấn mạnh không được mang điện thoại và thiết bị thu phát sóng vào phòng. Những thí sinh mang theo vật dụng không được phép, dù sử dụng hay không sẽ bị lập biên bản kỷ luật, cao nhất là đình chỉ thi, hủy kết quả làm bài.
TP HCM sáng nay mát dịu, vài nơi có mưa nhỏ. Từ 6h, nhiều phụ huynh tranh thủ chở con em mình tới điểm thi.
Tại trường THCS Colette, nhiều thí sinh vẻ hồi hộp, cầm sách vở tranh thủ nhẩm lại bài. Với nguyện vọng vào ngành Xã hội học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM), môn Văn được thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (quận 3, TP HCM) xem như "trận đánh" quyết định.
Lên kế hoạch ôn tập từ năm học lớp 11, Quỳnh thuộc lòng hầu hết các bài thơ và các trích dẫn hay, nhớ hết tình tiết các tác phẩm văn xuôi. Nữ sinh còn đọc thêm nhiều sách tham khảo và nhiều tác phẩm bổ trợ khác. "Em khá tự tin là mình sẽ giành điểm cao môn Văn, song vẫn cầu mong đề ra đúng sở trường của mình là thơ. Phần nghị luận xã hội em sẽ cố giành điểm trọn vẹn", Quỳnh chia sẻ.
Trong khi đó, thí sinh Huỳnh Thị Ngọc Anh (quận 1, TP HCM) với nguyện vọng vào khối Kinh tế, xét tuyển khối D nên môn Văn cũng khá quan trọng. Để làm tốt câu hỏi nghị luận xã hội, mấy tuần trước, Ngọc Anh thường đọc tin tức trên báo bởi dự đoán đề bài sẽ mang tính thời sự.
"Em đã thử làm nhiều đề mẫu môn Văn đúng theo thời gian thi thật, em thấy mình viết rất nhanh, đọc lại khá mạch lạc", Ngọc Anh cười tự tin.
Tại điểm thi THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh), nhiều thí sinh tụ tập trò chuyện, trao đổi trước giờ thi môn Văn. Mỗi em đưa ra "dự báo" khác nhau về đề thi.
Trần Thị Hương Ly (thí sinh quận Bình Thạnh) cho biết khá tự tin với môn này dù sở trường là các môn khoa học tự nhiên. "Môn Văn khó nhất là phân tích văn xuôi, riêng thơ thì em thích hơn vì dễ làm, dễ viết", Ly cho biết.
Tại Nha Trang (Khánh Hòa), thời tiết khá dịu mát. Thí sinh ăn mặc gọn gàng, được phụ huynh chở đến điểm dự thi từ sáng sớm. Cảnh sát giao thông chốt chặn ở các ngã tư, điểm thường kẹt xe để phân luồng, đảm bảo thí sinh không bị ảnh hưởng. Ở các điểm thi, cảnh sát được huy động để siết chặt an ninh.
Tỏ ra lo lắng, nữ sinh dự thi điểm trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang) cho biết đăng ký điểm xét tuyển vào Học viện Hành chính quốc gia TP HCM bằng khối C nên đã chuẩn bị rất kỹ cho phần thi môn Ngữ văn, song vẫn thấy hồi hộp. “Em hy vọng đạt được điểm cao môn Văn này”, nữ sinh kỳ vọng.
Đưa con đến điểm thi, nhiều phụ huynh chia sẻ rất hồi hộp. “Nhà cách trường hơn 2 km, mọi khi con vẫn tự đi, song hôm nay tôi chở cháu đến tránh trường hợp xấu”, phụ huynh nói và mong muốn con tâm lý vững, làm bài thi thật tốt.
Tại Cà Mau, thời tiết mát mẻ, một vài thí sinh đến trễ sau khi hội đồng thi làm lễ khai mạc. Tại Hội đồng thi trường THPT Hồ Thị Kỷ ở TP Cà Mau, thí sinh tranh thủ ôn lại bài vở, một số em tỏ ra mệt mỏi. “Thức gần như trắng đêm ôn bài nên sáng nay em hơi mệt. Tuy nhiên, em tin mình sẽ làm bài tốt vì đã nắm được kiến thức cơ bản”, em Trần Thùy Trang nói.
Sáng 25/6, thời tiết Đà Nẵng dịu mát do chiều và đêm qua có mưa. Tại điểm thi trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu), hầu hết thí sinh đến rất sớm. Một em đến 7h10 sáng mới được phụ huynh chở đến. Chạy qua sân trường không còn bóng người, thí sinh loay hoay đi tìm phòng. Ngôi trường cao 5 tầng thì 3 tầng dưới không bố trí phòng thi để đảm bảo an toàn.
Năm nay Đà Nẵng có 11.280 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 940 thí sinh tự do và hơn 560 em hệ giáo dục thường xuyên. Trong buổi làm thủ tục thi chiều 24/6, có 252 em không đến.
Đề thi sẽ phân hóa mạnh
Kỳ thi THPT quốc gia có hai mục tiêu, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ xét tuyển đại học. Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp.
Trừ Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, tất cả môn thi, bài thi còn lại đều là trắc nghiệm khách quan. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ phân hóa mạnh hơn năm trước. 60% nội dung đề là kiến thức cơ bản để phục vụ việc công nhận tốt nghiệp THPT, 40% kiến thức nâng cao phục vụ phân loại học sinh vào các đại học, cao đẳng.
Rút kinh nghiệm từ đề thi năm trước bị đánh giá là phân loại kém dẫn đến "mưa điểm 10", năm nay Bộ Giáo dục đã tổ chức cân đối từng đề thi, đảm bảo độ chênh lệch khó dễ giữa các đề là ngang nhau, đặc biệt chú trọng tính phân hóa. Việc đạt điểm 9-10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, theo Thứ trưởng Độ, sẽ khó khăn hơn.
Sau buổi thi môn Ngữ văn, chiều cùng ngày sĩ tử cả nước sẽ tiếp tục dự thi môn bắt buộc là Toán, thời gian làm bài 90 phút.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có 925.790 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 60.000 so với năm trước. Trong đó, có hơn 872.000 học sinh đang học lớp 12 và 53.780 thí sinh tự do. Số thí sinh đăng ký chỉ để xét công nhận tốt nghiệp là 237.320; thí sinh thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học là 642.370. Năm nay, các thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) là 444.530, chiếm 48% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh đăng ký thi bài Khoa học tự nhiên ít hơn, là 341.576. |