Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội ngày 3/7, đại biểu Nguyễn Quang Thắng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp xử lý tình trạng nợ, trốn đóng BHXH trên địa bàn gây hệ lụy lớn tới người lao động. Ông dẫn báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội hết tháng 1/2024 có hơn 90.600 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài 5.400 tỷ đồng nợ, tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.500 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, cho hay tỷ lệ nợ BHXH ở Thủ đô chiếm tới 6,8%, cao nhất cả nước. Trong số này có hơn 15.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích, nợ không có khả năng thu hồi. Ngành bảo hiểm đã gửi nhiều văn bản kiến nghị đến cấp thẩm quyền để xem xét xử lý. Những lao động bị nợ đóng thì ngành ưu tiên tách ra khi xử lý chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, trợ cấp một lần, chốt sổ chuyển sang nơi làm việc khác.
Ông Mến lý giải doanh nghiệp sau đại dịch không có đơn hàng, sản xuất khó khăn và một số có điều kiện nhưng lại chây ì không đóng. Với những doanh nghiệp này, liên ngành bảo hiểm xã hội, lao động, công an thành phố sẽ thanh kiểm tra xử phạt. Về chủ quan, do cán bộ BHXH nhiều việc, áp lực cao nên chưa đôn đốc dẫn đến số nợ tăng cao.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối tháng 12 giảm tỷ lệ nợ đọng xuống còn 2,2%, đảm bảo thu chặt chẽ để ổn định nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ngành sẽ công khai danh sách doanh nghiệp chây ì, nợ đóng. "Đề nghị thành phố không cho phép các doanh nghiệp nợ đóng tham gia đấu thầu dự án, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý", ông nói.
Về lĩnh vực đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thanh Bình dẫn thông tin Hà Nội còn 1,1 triệu lao động chưa được đào tạo nghề hoặc kỹ năng chính thức, khoảng 2 triệu lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ. Thành phố có nhiều chính sách cho lĩnh vực đào tạo nghề dưới 3 tháng, nhưng nội dung này chủ yếu thuộc an sinh xã hội. Đào tạo nghề có bằng từ trung cấp trở lên chưa nhiều trong khi đây mới là khâu đột phá để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Trước tình trạng này, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố có sốt ruột không?", ông Bình đặt câu hỏi, băn khoăn liệu sự quan tâm cho giáo dục nghề nghiệp đã tương xứng so với giáo dục phổ thông. Sở có giải pháp cụ thể gì để tạo chuyển biến trong nhận thức nhân dân về giáo dục nghề nghiệp.
Hồi đáp, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương dẫn số liệu từ 2020 đến nay thành phố coi trọng đầu tư cơ sở vật chất giáo dục nghề nghiệp. 9 trường được đưa vào danh mục đầu tư công với kinh phí trên 600 tỷ đồng; đầu tư cho khối giáo dục nghề nghiệp cao đẳng, trung cấp hơn 1.400 tỷ đồng; các chính sách cho lĩnh vực liên quan đào tạo nghề hơn 800 tỷ đồng.
"Những con số cho thấy sự quan tâm của thành phố cho khối giáo dục nghề nghiệp rất lớn", bà khẳng định, song cũng thừa nhận còn phải cố gắng so với tiềm năng, vị thế Thủ đô.
Bà Hương cho rằng nhận thức xã hội về học tập và đào tạo nghề chuyển biến tích cực nhưng so với yêu cầu vẫn còn thấp, thể hiện qua tỷ lệ học sinh phổ thông phân luồng sang học nghề chỉ 18,5% trong khi mục tiêu tối đa 45% năm 2030. Nhưng Hà Nội có nhiều trường cao đẳng, đại học đặt trên địa bàn nên học sinh sau tốt nghiệp nhiều cơ hội lựa chọn hơn so với địa phương khác ngoài học nghề.
Trong 5 năm tới, ba nhóm nghề mà thành phố đẩy mạnh đào tạo theo xu hướng là công nghiệp công nghệ cao; dịch vụ du lịch, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, đề án nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có thêm các nhóm ngành về phát triển văn hóa; công nghiệp văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe.
Hoàng Phương