Vừa qua, tại tọa đàm Hành trình sữa học đường an toàn, hiệu quả, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, một số quận huyện có tỷ lệ phụ huynh đăng ký sữa cho con ở khối các trường công lập cao, gần 100% như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông... "Con số khiến Sở Giáo dục bất ngờ bởi chỉ cách đây vài tháng, khi chưa biết đơn vị nào sẽ cung ứng sữa cho con em mình, phụ huynh đã phản ứng khá gay gắt. Nhiều trường nghĩ khó có thể đạt được tỉ lệ một phần hai số học sinh tham gia", ông nói.

87% phụ huynh đăng ký cho con uống sữa sau 2 tháng triển khai chương trình.
Theo ông Tiến, khi chương trình mới phổ biến, nhiều phụ huynh thấy khó hiểu khi học sinh không được mang sữa về nhà uống, kể cả vỏ hộp cũng thu gom tại trường. Điều này khiến bậc cha mẹ nghi ngờ về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, việc làm nhằm giám sát học sinh uống đầy đủ khẩu phần. Chương trình còn trang bị thêm cho các bé ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc hướng dẫn các em gấp gọn hộp sữa sau khi sử dụng, thu gom xử lý rác thải.
"Vấn đề tạo thói quen cho học sinh vứt rác gọn gàng, đúng nơi quy định rất quan trọng. Tại nhiều trường học, việc gấp gọn vỏ sữa như một hoạt động thư giãn tập thể, các con rất thích", ông Tiến chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, giờ uống sữa đã trở thành thời điểm được học sinh yêu thích trong ngày. Các bé dưới 3 tuổi, sau khi thầy cô hướng dẫn cũng có thể tự gấp vỏ sữa, để đúng nơi quy định.

Các cô giáo đang chuẩn bị sữa cho các bé tham gia chương trình Sữa học đường.
Hoạ sĩ Lương Giang, phụ huynh có 2 con đang theo học mầm non, tiểu học đánh giá: "Các nước phát triển đã thực hiện chương trình lâu nay. Tôi nghĩ, Sữa học đường sẽ mang cơ hội thay đổi trí lực cả một thế hệ tương lai sau này".
Chị chia sẻ thêm, con trước đây không thích sữa thì nay đã thay đổi, tự nhắc bố mẹ mua sữa cho con uống buổi tối và các ngày nghỉ khi thấy nhà hết sữa. Hơn nữa, con đã tự uống, bỏ vỏ sữa sau khi uống xong cho vào thùng rác.

Các bé tham gia chương trình Sữa học đường Hà Nội tự uống và tự gấp gọn gàng vỏ hộp sữa sau khi uống.
Là đơn vị đồng hành cùng Sữa học đường Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, ông Lê Văn Đức, Trưởng bộ phận Truyền thông cộng đồng Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk cho biết: "Chúng tôi thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, bất cứ phản ánh nào liên quan sữa học đường, sau khi nhận được thông báo, sẽ có nhân sự đến xem xét, xử lý kịp thời".
Ngọc Thi
Sữa học đường do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, là trẻ mẫu giáo, đối tượng thụ hưởng chương trình là học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mức đóng góp cho chương trình theo kế hoạch trước là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 23% và phụ huynh góp 47%.
Trước khi triển khai chương trình, Vinamilk và Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hà Nội, phòng Giáo dục Đào tạo các quận huyện đã tiến hành tập huấn liên tục trong 10 ngày trên khắp 30 quận, huyện ở Hà Nội cho gần 10.000 đại biểu bao gồm: ban giám hiệu, các giáo viên, đại diện hội phụ huynh học sinh từ 1.847 trường công lập và 2.509 nhóm trẻ nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn cần thiết liên quan đến việc triển khai chương trình.