Danh sách sinh viên dự kiến bị buộc thôi học và cảnh báo học vụ từ học kỳ I năm nay do Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM công bố để các khoa, bộ môn kiểm tra trước ngày 14/12 gồm 358 em.
Trong đó, 91 sinh viên từ năm hai đến năm tư các ngành Báo chí, Giáo dục học, Ngôn ngữ Đức, Ngôn Ngữ Nga, Ngôn ngữ Italy, Văn học, Xã hội học... bị cảnh báo học vụ do có điểm trung bình học kỳ dưới 2,5; điểm trung bình tích lũy dưới 4.
Ngoài ra, 267 sinh viên, nhiều nhất ở các ngành Địa lý, Đông phương học, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Đức, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành... dự kiến bị buộc thôi học. Trong đó, 26 em bị cảnh báo học vụ hai lần liên tiếp (theo quy chế), còn lại là tự ý bỏ học.
Theo quy chế đào tạo của trường, sinh viên bị buộc thôi học khi có hai lần bị cảnh cáo học vụ; có điểm trung bình dưới 1 hoặc vượt quá thời gian tối đa được phép học (gấp hai lần thời gian được thiết kế cho chương trình chính quy 3,5-4 năm; văn bằng hai 2,5-3 năm).
Trước đó, Đại học Luật thông báo cho 90 sinh viên chính quy dự kiến bị cảnh báo học vụ vì có kết quả học tập yếu kém học kỳ II năm 2019-2020. Hơn 60 em khác sẽ bị buộc thôi học vì kết quả học yếu kém học kỳ này.
Ngoài ra, 15 sinh viên văn bằng hai có điểm kém, 100 học viên vừa làm vừa học không hoàn thành chương trình học tập và đóng học phí cũng bị cảnh báo buộc thôi học.
Đại học Luật TP HCM quy định, sinh viên chính quy bị cảnh báo học vụ khi có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,2 (năm thứ nhất); dưới 1,4 (năm hai); dưới 1,6 (năm ba) hoặc dưới 1,8 (các năm tiếp theo hoặc cuối khóa).
Nếu điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1 với các học kỳ tiếp theo, tổng số tín chỉ các học phần bị điểm F (dưới 4) còn tồn đọng quá 24 tín chỉ, sinh viên cũng bị cảnh báo học vụ. Sinh viên bị cảnh báo học vụ hai lần liên tiếp sẽ bị buộc thôi học.
Tại Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, trường dự kiến buộc thôi học 257 sinh viên bậc đại học, 181 em bậc cao đẳng sau học kỳ II năm học 2019-2020 do kết quả học tập kém.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường, sinh viên bị buộc thôi học phần lớn rơi vào trường hợp học kém, bị đình chỉ học tập nhiều lần. "Nhiều sinh viên xa quê, ham đi làm thêm hoặc ham chơi, dẫn đến xao nhãng việc học. Một số em chủ quan, cứ nghĩ rằng học cho qua môn là được nhưng khi tổng kết lại không đạt theo yêu cầu nên bị đình chỉ", ông Sơn lý giải.
Theo ông Sơn, từ con số hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học, các trường cần nhìn nhận lại quá trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh để các em chọn đúng ngành nghề, trường phù hợp với sở thích và năng lực. Ngoài ra, các trường có thể tạo cơ chế để sinh viên có thể được chuyển đổi giữa các ngành nghề trong cùng trường sau những học kỳ đầu tiên. Điều này sẽ giảm đáng kể sinh viên bỏ học giữa chừng do chán nản.