Langtang, huyện Rasuwa, nằm gần biên giới với Tây Tạng, là một trong những nơi bị tàn phá nặng nề trong trận động đất xảy ra hôm 25/4 ở Nepal. Hàng trăm du khách cùng người Nepal sau đó mắc kẹt tại các khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng cách đi bộ hoặc trực thăng.
Hãng tin BBC hôm qua đăng tải video ghi lại cảnh đổ nát ở Langtang với nhiều ngôi nhà bị sập, thi thể người chết đặt trên bạt, xung quanh là những ngọn núi phủ tuyết trắng.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người thiệt mạng tại nơi này. Nhà chức trách địa phương đã tìm thấy 52 thi thể, trong đó có 7 người nước ngoài. Họ ước tính có thể có hơn 150 người Nepal và 100 du khách bị chôn vùi ở làng Langtang, nơi sinh sống của khoảng 400 người, phần lớn là nông dân hoặc nhân viên nhà nghỉ. Nhiều người ở Langtang đã được sơ tán.
Corey Ascolani, cựu giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ, bị kẹt lại khu vực cùng những người leo núi khác trong 5 ngày. Ascolani, 34 tuổi, đang uống cà phê tại một quán trà ngoài trời ở làng Bamboo, gần điểm xuất phát của con đường mòn lên núi, thì mặt đất bắt đầu rung lắc. Hàng loạt tảng đá lớn sau đó lăn xuống từ vách núi ở cả hai phía.
"Chúng tôi chạy qua chạy lại... đá vẫn rơi và dường như không còn nơi nào để trốn", Ascolani kể lại sau khi về đến thủ đô Kathmandu.
"Thần kinh bị bắn"
Ascolani cùng với khoảng 60 du khách, 20 người Nepal, bị kẹt trong hẻm núi, không thể ra ngoài vì đá rơi liên tục. Ông mô tả lại cách mọi người nấp dưới tảng đá, dựng bạt để ngủ dưới các tán cây.
"Rất khó ngủ, tôi vẫn nhớ cảm giác về từng rung động trên mặt đất... thần kinh của tôi như bị bắn. Tôi chỉ ngủ được khoảng một giờ trong đêm đầu tiên", Ascolani nói.
Họ đun sôi nước đục lấy từ sông, sau đó lọc bằng gạc và chai nhựa, nhóm lửa. Họ làm nhà vệ sinh ngoài trời từ một ghế nhựa khoét thủng rồi quây bạt lại. Ascolani cho biết đây là kỹ năng ông học hỏi qua chương trình truyền hình "Suvivor" (Sinh tồn) của Mỹ.
Một người leo núi người Israel có thiết bị nhắn tin qua vệ tinh, nghĩa là họ có thể liên lạc cho người thân. Nhóm người mắc kẹt còn chuẩn bị bánh sinh nhật từ chồng bánh kếp với chocolate cho một người Pháp.
"Tôi từng leo núi và xem nhiều tập 'Suvivor'. Do đó, tôi biết cách nhóm lửa, tìm thức ăn, nơi trú ẩn", Ascolani nói.
Một sinh viên y tế Hà Lan chăm sóc cho hai người Nepal bị thương do đá lăn. Trong khi đó, một nhóm khác làm bãi đáp trực thăng tạm bằng cách vẽ một đường tròn bằng cát và đá, dùng lá vẽ chữ H để thu hút chú ý.
Vào ngày thứ ba sau động đất, một trực thăng hạ cánh. Tuy nhiên, hy vọng được giải cứu nhanh chóng mờ nhạt do phi công nói họ chỉ sơ tán người Nhật Bản.
Vài giờ sau đó, hai trực thăng nữa xuất hiện với lệnh chỉ sơ tán người Israel. Sau khi những người leo núi phản đối, các phi công mới chấp thuận chở thêm hai người Nepal bị thương.
Không khí trong ngôi làng ngày càng ảm đạm do không có trực thăng nào tới trong 36 giờ kế tiếp. Một trực thăng Mỹ sau đó xuất hiện và đưa mọi người đến nơi an toàn.
Làng bị xóa sổ
Theo Bộ Du lịch Nepal, có hơn 550 người đăng ký leo núi tại Langtang từ giữa tháng 4. Nhiều người nước ngoài và người Nepal còn mất tích.
Uddhav Bhattarai, quận trưởng quận Rasuwa, cho biết không thể xác định có bao nhiêu du khách thiệt mạng hoặc còn mất tích tại khu vực. "Không còn nhà khách nào. Mọi thứ đều bị lở tuyết quét sạch", ông nói. "Có vài nhà khách gần đó nhưng ở Langtang thì không còn".
Ascolani cho biết ông "hạnh phúc và thấy nhẹ nhõm khi sắp được về nhà" và quyết định thiết lập một website để gây quỹ ủng hộ nỗ lực cứu trợ Nepal.
"Với người nước ngoài như chúng tôi, bị kẹt ở vùng núi là một trải nghiệm sốc. Với người dân địa phương, đó là cuộc sống của họ. Họ không có lựa chọn để bay tới quốc gia khác", Ascolani chia sẻ. "Nhiều người giúp chúng tôi sống sót, đặc biệt là những hướng dẫn viên người Nepal tuyệt vời... Tôi cảm thấy mình nên giúp đỡ những người cần cần được hỗ trợ".
Như Tâm (theo AFP)