Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 19/2.
Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km; chiều dài tuyến nhánh 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại.
Nguồn vốn dự án từ ngân sách bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn hợp pháp khác. Suất đầu tư dự án tương đồng với một số dự án tham khảo trong khu vực, khoảng 15,96 triệu USD/km (tuyến Vientiane - Boten của Lào có suất đầu tư 16,77 triệu USD/km).
Năm 2025 các cơ quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất năm 2030.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, sáng 19/2. Ảnh: Giang Huy
Để thực hiện dự án, Quốc hội cho phép áp dụng loạt cơ chế đặc thù, đặc biệt. Trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung cho phần thiếu hụt so với dự toán và kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được Quốc hội phê duyệt mà không làm tăng bội chi ngân sách.
Thủ tướng được huy động ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án mà không phải lập đề xuất; được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm và nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án nếu dự toán ngân sách bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
Dự án không phải thực hiện thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. UBND cấp tỉnh được lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi; đồng thời điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.
HĐND cấp tỉnh được dùng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất phát triển đô thị. Số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, sau khi trừ chi phí liên quan, địa phương được giữ lại 50%, còn lại nộp ngân sách trung ương.
Nhiều cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ, cũng được áp dụng cho dự án. Nhà thầu phải ưu tiên dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể sản xuất, cung cấp.

Chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội bấm nút biểu quyết tại phiên họp bế mạc. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics và bảo đảm phát triển bền vững. Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ, Chính phủ cần tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng yếu tố rủi ro trong bước nghiên cứu khả thi để có giải pháp phù hợp.