Thứ bảy, 25/1/2025
Thứ bảy, 25/1/2025, 00:55 (GMT+7)

Hơn 700 hộ dân sống trong di tích triều Nguyễn sắp được di dời

TP HuếNăm nay chính quyền chi gần 370 tỷ đồng để di dời 744 hộ dân sống trong 16 khu di tích triều Nguyễn như lăng vua Dục Đức, Đồng Khánh.

Giữa tháng 12/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế giai đoạn hai với tổng kinh phí 367 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và của tỉnh.

Theo đó, 744 hộ dân với 264 hộ chính, 480 hộ phụ sống trong khu vực di tích Hổ Quyền, Voi Ré, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, lăng các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Gia Long, lăng Trường Cơ, lăng Cơ Thánh, Trấn Hải Thành, lăng Vạn Vạn, đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám sẽ được di dời, giải phóng mặt bằng.

Nằm trên đường Duy Tân, An Lăng rộng gần 6 ha là nơi an nghỉ vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Sau năm 1975, chính quyền Bình Trị Thiên cũ đã cấp nhà tập thể trong khuôn viên An Lăng cho cán bộ Ty Công nghiệp, Sở Giáo dục tỉnh sinh sống.

Sống trong khu vực di tích, hàng chục năm qua người dân tá túc trong những căn nhà tạm bợ lợp bằng mái tôn. Nhiều gia đình muốn tu sửa, xây dựng nhà song không được.

Theo kế hoạch của TP Huế, 372 hộ dân với 124 hộ chính, 248 hộ phụ sinh sống trong khu vực An Lăng và xung quanh sẽ được di dời giải tỏa trong thời gian sắp tới.

Việc giải tỏa nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại; ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sống trong khu vực I di tích.

Nằm trong kinh thành Huế, di tích Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn, hàng chục năm qua có nhiều hộ dân sinh sống. Bên cạnh kế hoạch trùng tu di tích, HĐND TP Huế cũng thông qua nghị quyết di dời người dân khỏi di tích. Nhìn từ trên cao, hàng chục nhà dân lợp ngói tôn vẫn đang sống tạm bợ trong khuôn viên Quốc Tử Giám.

Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Phú Xuân cho hay trong khu vực di tích có 114 hộ dân với 38 hộ chính, 76 hộ phụ cần giải tỏa.

Bên trong căn nhà của một hộ dân sống trong khu vực di tích Quốc Tử Giám bị xuống cấp, phải che chắn tạm bằng tấm nylon. Các hộ dân sống trong khu vực này xưa kia là nhà tập thể cấp cho cán bộ bảo tàng.

Theo kế hoạch dự kiến, 114 hộ dân sống trong khu vực này sẽ được di dời trước khi di tích Quốc Tử Giám được trùng tu.

Quanh lăng vua Tự Đức, Đồng Khánh, phường Thủy Xuân có hàng chục hộ dân sinh sống. Theo kế hoạch, các hộ dân sẽ được giải tỏa, di dời để tạo không gian.

Người dân sống trong khu vực I lăng vua Đồng Khánh, Tự Đức hàng chục năm qua mưu sinh nhờ việc bán hàng lưu niệm, nước giải khát phục vụ khách du lịch.

Bà Tôn Nữ Thị Nga, 57 tuổi, ở phường Thủy Xuân cho hay ba đời gia đình đã sinh sống trong khu vực I di tích cạnh lăng vua Đồng Khánh, Tự Đức. Căn nhà xuống cấp song không được xây dựng, cơi nới. "Khi biết chủ trương của nhà nước, gia đình ủng hộ và mong muốn được sớm di dời để ổn định cuộc sống, trả lại không gian cho di tích", bà Nga nói.

Nằm ở bờ bắc sông Hương, xung quanh di tích chùa Thiên Mụ có hàng chục hộ dân sinh sống. Để tạo không gian cảnh quan cho di tích, kế hoạch di dời các hộ dân cũng được đưa ra. Dự kiến 32 hộ dân với 13 hộ chính, 19 hộ phụ sẽ được giải tỏa, di dời.

Trấn Hải Thành nằm ở phường Thuận An được xây dựng dưới thời vua Gia Long và hoàn thiện thời vua Minh Mạng. Công trình có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bố phòng biên giới ven biển thời xưa.

Sau năm 1975, Trấn Hải Thành là trụ sở của đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An. Xung quanh Trấn Hải Thành dày đặc nhà dân sinh sống và chôn cất mồ mả. Theo kế hoạch, người dân sinh sống trong vành đai di tích sẽ được giải tỏa để tạo không gian, tiến tới trùng tu di tích phục vụ khách tham quan. Khu vực này dự kiến di dời 6 hộ dân.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết việc thống kê, di dời các hộ dân trong di tích đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thuận Hóa và Phú Xuân đang phối hợp tiến hành. Sau khi nhà dân được giải tỏa di dời, việc trùng tu một số di tích bị xuống cấp sẽ được tiến hành.

Di tích Võ Miếu, Văn Miếu ở phường Long Hồ được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Hàng chục năm qua, khu vực vành đai di tích đang bị xâm lấn.

Theo kế hoạch, 21 hộ dân với 7 hộ chính, 14 hộ phụ sẽ được di dời giải tỏa khỏi di tích.

Đấu trường Hổ Quyền nằm ở thôn Trường Đá, phường Thủy Biều. Nơi đây xưa kia triều Nguyễn tổ chức các trận đánh giữa voi và hổ để vừa huấn luyện tượng binh vừa phục vụ nhu cầu giải trí của vua, quan. Các con hổ trước khi được tung vào đấu trường đều bị bẻ răng nanh. Năm 2019, công trình Hổ Quyền được trùng tu song xung quanh đấu trường còn nhiều hộ dân sinh sống.

Theo kế hoạch, 14 hộ dân gồm 9 hộ chính, 5 hộ phụ ở xung quanh đấu trường Hổ Quyền và 16 hộ dân gồm 7 hộ chính, 9 hộ phụ xung quanh điện Voi Ré sẽ được di dời để tạo cảnh quan với hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe để phục vụ việc tham quan.

Võ Thạnh