Thông tin trên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sáng 21/11. Cơ quan này đánh giá đây là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, kinh tế - xã hội cũng như chính sách an sinh.
Thống kê từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.
97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi. Tỷ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.
Covid-19 khiến TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương có nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, tháng 10 vừa qua thành phố có hơn 9.000 người nộp hồ sơ rút bảo hiểm, tăng gấp 3 lần so với tháng 9. Đầu năm đến cuối tháng 10, thành phố ghi nhận hơn 86.000 trường hợp nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Tại Đồng Nai, số hồ sơ nhận trợ cấp một lần trong tháng 10 (6.580 hồ sơ) tăng gần 7 lần so với tháng 9 (964 hồ sơ). Từ đầu năm đến này, cơ quan này đã chi trả cho gần 42.000 người nhận bảo hiểm một lần với tổng số tiền hơn 2.300 tỷ đồng.
Ở Bình Dương, bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nói tháng 10 năm nay, hơn 6.400 người lao động nghỉ việc, rút bảo hiểm một lần, tăng hơn 40% so với tháng 10/2020. Lao động ngoại tỉnh ở Bình Dương chiếm 60%, làm việc chủ yếu trong các nhà máy, mức lương đủ sống, ít có tích lũy... Họ có xu hướng về quê sau 10-15 năm làm công nhân, sức khỏe suy giảm.
"Họ cần vốn để hồi hương làm ăn, sửa nhà nên nghĩ ngay đến khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội", bà Lý nói và cho rằng khi dịch bùng phát người lao động càng mong muốn về quê. Dự kiến sắp tới tình trạng nhận trợ cấp một lần tiếp tục tăng.
Trong dự thảo tờ trình về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lấy ý kiến lần đầu hồi tháng 4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất siết điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Việc sửa đổi theo hướng giải quyết với lao động hết tuổi làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có nhu cầu đóng tiếp, trừ người ra nước ngoài định cư hợp pháp, mắc bệnh hiểm nghèo. Người chưa hết tuổi lao động muốn nhận một lần thì mức hưởng thấp hơn hiện nay.
Nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, lao động mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm trước 2014 và 0,64 tháng lương với mỗi năm đóng sau 2014, theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Hưởng BHXH một lần có thể đáp ứng được tài chính trước mắt, song sẽ lấy đi các tầng an sinh về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế, tử tuất. Về lâu dài, tỷ lệ lớn người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực để bảo đảm an sinh. Thống kê hiện nay trên 60% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu.
Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), đề xuất hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần từng được quy định tại Điều 60, nhưng chưa thực hiện được vì công nhân phản ứng. Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Theo chuyên gia, nếu khởi động lại chính sách này, cần có lộ trình phù hợp để tránh "vết xe đổ".
Luật hiện hành quy định tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.
Người lao động có yêu cầu sẽ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc các trường hợp sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài định cư; người mắc các bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS...
Hồng Chiêu - Lê Tuyết