Tiến sĩ Nguyễn Văn Tập (Hội viên Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục ngành Công an) cho biết, 39,9% tổng số tội phạm vị thành niên khảo sát từ năm 2007-2011 có hoàn cảnh kinh tế gia đình đủ ăn, bố mẹ nghề nghiệp ổn định; hơn 23% là khá giả. Điều này cho thấy điều kiện kinh tế của gia đình ít có tác động đến tội phạm vị thành niên. Trong khi đó, tác động từ quan hệ giữa trẻ vị thành niên với gia đình lại cho thấy kết quả đáng báo động khi 76,5% tổng số tội phạm vị thành niên có mâu thuẫn với gia đình.
Tiến sĩ Tập khẳng định, yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ vị thành niên phạm tội không phải kinh tế mà là mối quan hệ gia đình. Đặc điểm tâm lý nổi trội của tội phạm vị thành niên là mâu thuẫn với gia đình chiếm một tỷ lệ lớn. Từ mâu thuẫn trong quan hệ với người lớn góp phần đẩy vị thành niên đến với nhóm bạn bè xấu. Qua mối quan hệ với nhóm bạn bè xấu dẫn đến hành vi phạm tội. Gần 1.800 trong hơn 2.700 tội phạm được khảo sát là bị bạn bè xấu lôi kéo, chiếm 71,5% tổng số tội phạm vị thành niên.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Thái Duy Tuyên (hội viên Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam), một trong những hiện tượng tiêu cực rất đáng lưu ý ở gia đình hiện nay là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng lên, chủ yếu là ở thành phố. Tỷ lệ ly hôn hoặc ly thân so với số dân tuổi từ 20 trở lên, nam giới 10,4%, nữ giới 27,9%. Tổ ấm gia đình bị tan vỡ dễ làm trẻ nảy sinh tâm trạng buồn chán, bất định và không tin tưởng vào người lớn. Điều đó thúc đẩy các em tìm đến bạn bè để giải khuây và xả tâm trạng bực tức, buồn chán. Và chính điều này là môi trường thuận lợi để vị thành niên thực hiện những hành vi tiêu cực, hành vi phạm tội.
Ông Đỗ Văn Giảng (cán bộ văn phòng tâm lý học đường, trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội) cho biết tình trạng lúng túng và bế tắc trong việc dạy con cái đã trở nên hiện hữu đối với nhiều bậc phụ huynh. Cách nuôi dạy con cái trong gia đình hiện nay dễ dẫn tới việc nuôi dưỡng thói tham lam, ích kỷ, lười biếng và ỷ lại.
“Học sinh bây giờ ít có những khả năng tự lập, tự làm chủ nên thường hay rụt rè, e ngại, thiếu năng động hoặc dễ bị kích động trở nên liều lĩnh, dễ bị lừa gạt, hoặc a dua theo đám đông, không ý thức được việc làm của mình. Tất cả những đặc điểm trên hầu như đều do cách nuôi dạy nuông chiều, che chở bao bọc cho con cái thái quá, khiến trẻ dần trở nên thụ động thiếu tự tin, thiếu những kỹ năng ứng xử thích hợp”, ông Giảng phân tích.
Theo ông Giảng, nhiều bậc phụ huynh đã đi lệch hướng trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường. Có thể nói mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh với nhà trường hiện nay đã bị biến thành mối quan hệ mang tính vụ lợi. Mối quan hệ đó ngày càng trở nên ít hiệu quả giáo dục mà thường đem lại những hình ảnh phản cảm đối với học sinh và con em của họ.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho rằng, Hội cha mẹ học sinh cần được thể chế hoá để giúp cha mẹ tham gia ngày càng nhiều và có trách nhiệm hơn vào hoạt động giáo dục con cái họ hơn là việc chỉ lo đóng góp lệ phí, lo lót cho thầy cô…
Theo An ninh thủ đô