Báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023, được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố hôm 27/12, cho biết mục tiêu đặt ra với môn Ngoại ngữ trong chương trình mới (còn gọi là chương trình năm 2018) là hướng tới phát triển năng lực công dân toàn cầu cho học sinh.
Vì vậy, giáo viên không những cần đảm bảo đạt chuẩn kiến thức và trình độ ngoại ngữ, mà còn phải đạt hàng loạt các tiêu chí mới: có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt; phương pháp dạy phù hợp, hiện đại; có năng lực đánh giá sách giáo khoa, tài liệu dạy học; chủ động tiếp cận và phát triển mạng lưới học hỏi trực tuyến và trực tiếp; đổi mới tư duy theo hướng phát huy tính tự chủ trong học tập; đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực.
Trong hơn 7.800 giáo viên ngoại ngữ (chủ yếu dạy Tiếng Anh), 78% cho rằng những yêu cầu đặt ra ở mức cao và rất cao; trên 20% đánh giá ở mức trung bình và chỉ hơn 1% cho rằng yêu cầu đặt ra thấp và rất thấp.
Tuy nhiên, 73% giáo viên được khảo sát đánh giá bản thân đáp ứng tốt với chương trình, số còn lại ở mức trung bình, kém và rất kém.
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận định 73% là con số tích cực, hầu hết giáo viên tự tin ở hai kỹ năng Đọc và Viết hơn Nghe và Nói.
Báo cáo cũng cho rằng phần lớn giáo viên đã tiếp cận tương đối tốt chương trình mới, dù vậy vẫn còn một số bất cập. Trong đó, hoạt động bồi dưỡng chưa thực sự hiệu quả.
Khi chương trình mới được triển khai với môn Ngoại ngữ, Bộ và các nhà xuất bản tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng cho giáo viên nhưng tần suất giảm dần, khiến giáo viên phải tự học hỏi nhiều. Các thầy cô cũng đánh giá hoạt động tập huấn chưa cụ thể và thực tế, nội dung chưa đi vào trọng tâm.
"Việc xây dựng và phát triển mạng lưới tự học, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn học liệu... giữa các giáo viên còn hạn chế, dù mạng lưới này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chuyên môn cho giáo viên, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển", báo cáo nêu.
Theo các nhà nghiên cứu, việc không ngừng bồi dưỡng thường xuyên, phát triển giáo viên và khuyến khích tinh thần tự học sẽ giúp cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong thời gian tới.
Năm 2020, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được thực hiện với lớp 1. Đến năm học này, chương trình đã áp dụng ở cấp tiểu học đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11 và sẽ hoàn tất vào năm 2025.
Thanh Hằng