Đây là một trong những kết quả nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ, thực nghiệm tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang. Đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện trong tháng 9 và 10.
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, đại diện nhóm nghiên cứu, "khá bất ngờ" khi yếu tố khiến giáo viên cảm thấy áp lực nhất không đến từ công việc chuyên môn. Thay vào đó, khoảng 70,2% người tham gia khảo sát cho rằng đang bị áp lực từ phụ huynh, đánh giá trung bình 4,4 trên 5 điểm. Trong số này, gần 40,6% từng có ý định chuyển nghề "do phụ huynh bạo lực tinh thần".
Phỏng vấn trực tiếp 132 giáo viên và các nhà quản lý, nhóm nghiên cứu cho biết thầy cô đều chung nhận định hiện nay, áp lực từ phụ huynh là vấn đề đáng báo động trong ngành giáo dục.
"Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số với giáo viên. Họ liên tục theo dõi, đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình học tập của con qua nhóm Zalo hay Facebook", trích báo cáo.
Một số giáo viên cho hay phụ huynh có hành vi xúc phạm như trực tiếp đến trường gây gổ, chửi bới, thậm chí hành hung giáo viên khi con em bị phê bình, nhắc nhở hoặc không đạt điểm cao. Nhiều giáo viên đối mặt nguy cơ bị đe dọa hay bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội.
"Điều này không chỉ khiến giáo viên thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất tự chủ và cảm hứng trong công việc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục, đồng thời tạo nên hình ảnh xấu trong mắt học sinh về mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình", nhóm nghiên cứu kết luận.
Ngoài ra, giáo viên còn thấy căng thẳng với các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh, thời gian hoạt động ngoài giảng dạy...
Về thu nhập, nghiên cứu cho thấy khi lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, lương giáo viên được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thầy cô cho biết thu nhập từ nghề giáo chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu hàng tháng của gia đình.
Vì vậy, giáo viên phải tìm đến các "nghề tay trái" như trồng trọt, bán hàng online, giao hàng hay xe ôm công nghệ.
Đối mặt nhiều khó khăn về áp lực và thu nhập, điều giáo viên mong muốn nhất (hơn 89,1%) là có hỗ trợ về tài chính như vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên, kế đó là giảm tuổi hưu, tăng thu nhập (đều hơn 83% người được hỏi), giảm các rào cản trong thăng hạng giáo viên, giảm các nhiệm vụ liên quan, cải thiện bệnh thành tích...
Từ những kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng việc tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của nhà giáo cần được đặt lên hàng đầu, tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong bối cảnh mới; đảm bảo tính khả thi với cải cách tiền lương và phụ cấp nhà giáo.
Nhóm cũng kiến nghị nhà chức trách cân nhắc để giáo viên, cả bậc mầm non lẫn phổ thông, được nghỉ hưu sớm hơn so với hiện hành, tùy thuộc nguyện vọng. Đồng thời, các sở, ngành xem xét ban hành chính sách ưu đãi tài chính, xây dựng quỹ hỗ trợ quốc gia cho giáo viên trẻ, môn đặc biệt, vùng đặc biệt...
Thanh Hằng