Thông tin được bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nêu tại hội thảo đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, sáng 12/1.
Bà Điệp cho hay TP HCM triển khai chương trình từ năm 2020, ở những trường có cơ sở vật chất tốt, gia đình trẻ tự nguyện tham gia. Sau 3 năm, TP HCM có 1.218 trường mầm non, lớp mẫu giáo độc lập cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Khoảng 3.200 giáo viên tham gia giảng dạy, trong đó hơn 230 giáo viên bản ngữ, đến từ 130 trung tâm liên kết với trường.
Bước đầu, bà Điệp đánh giá việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua học tiếng Anh, trẻ được trải nghiệm, tìm hiểu thế giới xung quanh qua nhiều hình thức, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.
"Việc làm quen với tiếng Anh giúp trẻ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ thứ hai một cách tự nhiên thông qua các trò hơi, bài hát, câu chuyện thay vì các lớp học bắt buộc, gò bó", bà Điệp nói. Điều này cũng tạo tiền đề trẻ học tiếng Anh tốt hơn ở các bậc học sau.
Ông James Moran, Giám đốc học vụ EMG Education, đơn vị xây dựng tiêu chí khảo sát năng lực cho trẻ mầm non, cũng đồng tình. Theo ông, những nước coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai như Singapore, Malaysia, Philippines đều cho trẻ mầm non học tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ bậc mầm non.
Vì có nhiều lợi ích, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng sau ba năm chỉ có hơn 57% trẻ được làm quen với tiếng Anh là con số "phải suy nghĩ" và chưa thể vui mừng. Trong khi, TP HCM có khoảng 3.000 cơ sở giáo dục mầm non. Bà đề nghị các nhà quản lý có giải pháp để tăng số lượng trẻ được tiếp cận với ngôn ngữ này.
Ông Nguyễn Bá Lĩnh, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Củ Chi, nhìn nhận còn một số khó khăn để làm được điều này, nhất là ở khu vực ngoại thành.
"Nhiều phụ huynh cho rằng học tiếng Anh cần thiết nhưng không nhất thiết cho trẻ làm quen sớm", ông Lĩnh chia sẻ. Ngoài ra, trường mầm non không có biên chế giáo viên tiếng Anh, do đó các trường phải phối hợp với trung tâm bên ngoài, dựa trên đóng góp của phụ huynh nên bị động, không đồng bộ.
Tuy nhiên, giáo viên ở các trung tâm chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non nên hạn chế khi dạy. Bởi trẻ mầm non không thể ngồi yên suốt 25-40 phút để lắng nghe thầy cô, do đó giáo viên phải có nghiệp vụ sư phạm để dẫn dắt lớp.
Thêm vào đó, bà Lương Thị Hồng Điệp đánh giá số trẻ được tham gia chương trình ở các nhóm lớp độc lập còn thấp, do chưa đảm bảo cơ sở vật chất. Bởi để dạy tiếng Anh, cơ sở mầm non cần có phòng học riêng, trang bị máy tính, bảng tương tác, tivi thông minh, hệ thống đồ chơi, tranh ảnh trực quan gần gũi, phù hợp.
Trẻ trong diện cận nghèo cũng khó tham gia do phải tự túc chi phí. Hiện, tùy theo nhu cầu của phụ huynh, các trường thường bố trí 50% hoặc toàn bộ giáo viên nước ngoài đứng lớp, mức phí cũng khác nhau, dao động 80.000-1,54 triệu đồng mỗi tháng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo từ cuối năm 2020. Theo Bộ, việc này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một số mục tiêu cụ thể của chương trình là: trẻ có thể nghe hiểu và nhắc lại được được một số từ, cụm từ và câu đơn giản; phản hồi và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc; nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản; nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết đến hết năm học trước, 53/63 địa phương cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh trong trường. Gần 267.000 trong số gần 472.000 trẻ được tiếp cận chương trình này, chiếm tỷ lệ 56,5%.
Năm ngoái, Bộ cũng phê duyệt 39 tài liệu làm quen với tiếng Anh ở bậc mầm non.
Lệ Nguyễn