AFPS 2023 với chủ đề "Hợp tác để đột phá trong khoa học Dược" diễn ra từ ngày 8 đến 10/11. Đây là hội nghị chuyên ngành dược lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức luân phiên hai năm một lần giữa 24 nước thành viên của Liên đoàn Khoa học Dược châu Á. Sự kiện thu hút hơn 500 đại biểu tham dự, trong đó có gần 200 đại biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng khoảng 350 báo cáo viên.
GS. TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội nhấn mạnh sự phát triển của lĩnh vực sinh học phân tử và di truyền học. Mục tiêu tiếp cận nhằm phát triển thuốc mới dựa trên nhắm trúng đích phân tử. "Khi đó tạo ra những thuốc tác dụng đặc hiệu hơn, ít độc tính và ít tác dụng phụ hơn", ông cho hay.
Theo GS Nam, việc nghiên cứu phát triển ra một thuốc mới đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Trong đó các nhà bệnh học phân tử tìm kiếm các mục tiêu gây bệnh; nhà hóa học, hóa dược sàng lọc, chiết tách, phân lập các chất dẫn đường có hoạt tính sinh học, tối ưu hóa cấu trúc để đưa ra các ứng viên thử lâm sàng. Các nhà dược lý nghiên cứu độc tính, hiệu quả tiền lâm sàng, rồi đến thử nghiệm lâm sàng. Quá trình này còn cần sự tham gia của các chuyên gia thuộc lĩnh vực tin sinh dược học, các nhà bào chế, kiểm nghiệm. Sau khi thuốc được đưa vào sử dụng, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để đảm bảo thuốc được sử dụng an toàn hợp lý, hiệu quả chi phí điều trị cho người bệnh và xây dựng các chính sách liên quan lưu hành thuốc.
Ông nhấn mạnh, lĩnh vực dược đang đối mặt với nhiều thách thức như sự xuất hiện các chủng vi khuẩn, virus với độc dược lây lan nhanh, đòi hỏi việc tìm ra các phương thức điều trị hiệu quả. Vì vậy ông mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia sẽ cùng thảo luận và chia sẻ nhằm gợi mở và giải quyết các thức thách thức này.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dẫn báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam cho thấy, đến năm 2022 tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đã đạt gần 7 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,6%. Tiền thuốc bình quân đầu người đã đạt 75 USD. Việt Nam hiện có 228 doanh nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP.
Bà cho hay ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay mới ở gần cấp độ 3: 90% nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc generic và xuất khẩu được một số dược phẩm. "Thị trường dược phẩm nói chung tương đối bình ổn, nhóm hàng thuốc chữa bệnh cho người luôn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung, giá thuốc nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực", bà nói.
Nhắc về Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, bà nêu hướng mục tiêu chung phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý. Bên cạnh đó nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước.
Thứ trưởng Hương đề nghị các bên hợp tác để hướng đến một hệ thống y tế bền vững và hội nhập, trong đó hoàn thiện về thể chế, pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược. Bên cạnh kiểm soát thị trường thuốc, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển thuốc và nguyên liệu thuốc; ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược.
Hội nghị Khoa học Dược châu Á 2023 lần thứ 8 diễn ra trong ba ngày với 6 phiên với khoảng 350 báo cáo viên. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dược học và y tế chia sẻ và thảo luận nghiên cứu mới, kinh nghiệm, những kỹ thuật, giải pháp mới nhằm tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực khoa học dược.
Sự kiện do Trường Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Khoa học Dược châu Á và Trường Đại học Y Dược TP HCM tổ chức. Bên lề còn có triển lãm các gian hàng trưng bày sản phẩm, giải pháp mới phát triển ngành khoa học dược
Như Quỳnh