Sáng 21/11, bị cáo Nhật, 29 tuổi, trú Thanh Hóa, cùng 90 người bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, Nhật cùng 7 bị cáo bị tạm giam, số còn lại tại ngoại.
Trong phần thủ tục, chủ tọa Bùi Quang Năng thông báo vụ án có 544 bị hại, song hôm nay chỉ một nạn nhân đến tòa, còn lại vắng mặt. 91 người bị truy tố được gửi giấy triệu tập hợp lệ, nhưng 83 người đến. Trong 8 người không tham dự, một bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt, còn lại không nêu lý do.
"Những bị cáo vắng mặt không rõ lý do đều đang tại ngoại. HĐXX sẽ xác minh, nếu không có lý do bất khả kháng thì tòa sẽ có phương án xử lý, nếu cần thiết sẽ đề nghị cơ quan điều tra bắt giam để đảm bảo việc xét xử", chủ tọa nói.
Ông Phan Thanh Nam, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, nói ngoài 8 bị cáo cùng hàng trăm bị hại vắng mặt, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng không đến tòa. Xét thấy việc này ảnh hưởng quá trình xét xử, đề nghị hoãn phiên xét xử để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Sau phần hội ý, chủ tọa Bùi Quang Năng đồng ý hoãn phiên tòa từ đề nghị của đại diện VKS cũng như luật sư và các bị cáo. Phiên xử dự kiến mở lại vào sáng 20/12.
Theo điều tra, Nhật và Nguyễn Hữu Hiếu mở Công ty cổ phần tập đoàn Dream Group, điều hành 7 nhóm nhân viên với 89 bị can, lập nhiều Fanpage bán mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa... chạy quảng cáo trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng, lương tháng 10-15 triệu đồng.
Nhóm này lên Fanpage đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc online, ưu tiên các "mẹ bỉm sữa", hứa hẹn lương cứng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Theo mô tả công việc, các bà mẹ hàng ngày chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh về các mặt hàng mỹ phẩm, khách có nhu cầu mua sản phẩm thì nhập hàng của công ty về bán. Dù không có khách, họ vẫn được hưởng 50.000 đồng một ngày. Nếu có khách, họ nhận 100.000 đồng, ngoài ra một sản phẩm bán ra còn được hưởng tiền chênh lệch 10-20%. Mỹ phẩm rao bán từ 500.000 đến 8 triệu đồng một sản phẩm, đây là hàng giả, kém chất lượng, giá cao gấp 40-50 lần chi phí thực.
Nhật giao nhiệm vụ cho nhân viên vào các Fanpage đại diện cho công ty để tăng tương tác với cộng tác viên, sử dụng tài khoản ảo, sim rác nhắn tin đặt hàng và yêu cầu gửi hàng đến người nhận có tên, địa chỉ giả. Từ đó, cộng tác viên "sập bẫy", chi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để mua hàng.
Khi mỹ phẩm đến tay cộng tác viên, cũng là lúc bán được hàng, các "đối tác" sẽ cắt đứt liên lạc. Nạn nhân không thể trả lại hàng vì địa chỉ Dream Group cung cấp đều là giả.
Đầu năm 2021, nhận trình báo của một số nạn nhân, Công an Hà Tĩnh lập nhiều tổ công tác đến 45 tỉnh, thành phố trong nước thu thập manh mối. Trung tuần tháng 4 cùng năm, cảnh sát bắt Nhật và hàng chục "chân rết".
Từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, đường dây đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 6,3 tỷ đồng của 544 người ở Hà Tĩnh và các tỉnh thành khác trong nước, ngoài ra còn có nhiều cộng tác viên chưa xác định được. Trong đó, người bị lừa nhiều nhất hơn 100 triệu đồng, ít nhất là mỗi lần hai triệu đồng.