Hôm nay, nhiều tỉnh thành Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã ngớt mưa. Tuy nhiên, do hồ Hòa Bình xả lũ và lượng mưa từ 3 ngày trước quá lớn khiến nước các sông Thanh Hóa, Ninh Bình đã lên vượt báo động 3 - mức nguy hiểm nhất. Các tỉnh miền núi tiếp tục có thêm thiệt hại do sạt lở đất.
18 người bị vùi lấp ở Hòa Bình.
Hòa Bình 23 người chết, 13 người mất tích
Ba ngày qua Hòa Bình phải hứng lượng mưa lên tới 390 mm ở Mai Châu, hơn 450 mm ở Kim Bôi và Chi Nê, các nơi khác trên dưới 200 mm, đất ven sông suối, tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở.
Sáng 12/10, bờ suối tại xã Phú Cường (Tân Lạc) bất ngờ sụt lún, kéo theo 7 nhà dân. Lãnh đạo xã xác nhận ít nhất 4 ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn cùng 18 người. Đến hết buổi sáng, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể 8 người. Trung tá Đỗ Huy Phương, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, cho biết 400 cán bộ, chiến sĩ ở Tân Lạc đang khẩn trương tìm kiếm số nạn nhân còn lại.
Trước đó ghi nhận hết ngày 11/10, Hòa Bình có 15 người chết, 3 người mất tích, chủ yếu ở huyện Đà Bắc, Lạc Thủy. Tỉnh đã di dời hơn 300 hộ dân, trong đó có 80 hộ dân hạ lưu hồ Cháu Mè, 58 hộ vùng hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình.
Một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc, các xã Yên Bồng, Khoan Dụ (Lạc Thủy) hiện không tiếp cận được bằng đường bộ, chỉ có thể tới bằng đường thủy. Các tuyến quốc lộ 6, 21 đi qua tỉnh Hòa Bình đã bị sạt lở và ngập nhiều đoạn, một số tỉnh lộ bị ngập sâu 0,5 m gây ách tắc giao thông.
Thị sát tại Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là khu vực dễ sạt lở nên chính quyền và nhân dân không được chủ quan. Các lực lượng khẩn trương rà soát điểm sạt lở để đưa nạn nhân mắc kẹt ra ngoài. Ông Dũng đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân và động viên lực lượng cứu hộ.
Yên Bái lũ lên báo động 3, còn 11 người mất tích
0h sáng nay, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đạt đỉnh 32,39 m (trên báo động 3 là 0,39 m) và hiện xuống chậm. Cơ quan khí tượng cảnh báo sạt lở đất và các sự cố gây mất an toàn hồ chứa, ngập úng ở vùng trũng các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái.
Toàn tỉnh có 4 người chết do lũ cuốn trôi, 11 người mất tích tại huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, trong đó có 3 người mất tích do sập cầu Suối Thia nằm trên quốc lộ 32.
Mưa lũ gây ngập hơn 1.000 ngôi nhà, làm hư hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân vùng ven sông. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu đi các huyện phía tây Yên Bái bị sạt lở. Hiện, huyện Trạm Tấu vẫn bị cô lập do con đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện bị sạt lở taluy hàng trăm điểm.
Cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ bị sập 2 nhịp, một cầu treo xã Hát Lừu và một cầu sắt xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu) bị cuốn trôi. Quốc lộ 32 tại đèo Khau Phạ bị sạt lở ta luy làm tắc đường.
Ninh Bình lũ vượt mức lịch sử năm 1985, 600 hộ dân bị ngập
Đêm 11/10, nước sông Hoàng Long dâng cao, tường kè đê Đức Long bị rò nhiều vị trí. Bí thư Huyện ủy Nho Quan Lã Trường Sinh đã cùng các lực lượng căng bạt, bê cát chèn chân đê, khắc phục sự cố.
Đến sáng 12/10, mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế (Gia Viễn) lên 5,53 cao hơn 30 cm so với trận lũ năm 1985 (5,23 m). Nước dâng cao tràn qua đê, gây ngập lụt lúa và hoa màu. Toàn bộ hơn 600 hộ dân ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, bị ngập sâu cả mét.
Nâng mức xả tràn để tránh ngập cho 200.000 dân ở Ninh Bình.
Chủ tịch tỉnh Ninh Bình, ông Đinh Văn Điến cho biết mực nước ở Bến Đế lên đến 5,3 m phải xả tràn đập Lạc Khoái để cứu đê. Tuy nhiên, Ninh Bình quyết định nâng mực xả tràn lên 5,6 m để đảm bảo an toàn cho khoảng 200.000 dân của 12 xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại gần cửa tràn đập Lạc Khoái, tỉnh đã phát lệnh di dân khẩn cấp, đồng thời cử khoảng 100 công an và bộ đội thường xuyên túc trực đề phòng sự cố.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá lãnh đạo Ninh Bình rất "sáng suốt, kịp thời trong việc chọn thời điểm để tiến hành việc xả tràn”, đồng thời chỉ đạo nếu nước lũ tiếp tục dâng cao thì phải xả tràn để cứu đê Hoàng Long, tránh vỡ đê dẫn đến hậu quả khôn lường.
“Không được chủ quan với nước lũ, nước rút đến đâu phải kiểm tra đê đến đó. Ngoài lãnh đạo tỉnh, công an, quân đội, biên phòng cũng phải túc trực xử lý gấp các điểm nước tràn qua, điểm xung yếu phải gia cố”, ông Phúc nói.
Thanh Hóa di dời khẩn cấp gần 16.000 dân do nước tràn đê
Trưa 12/10, mực nước sông Bưởi tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) lên 13,5 m, vượt báo động 3 là 1,53 m. Theo dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Bưởi tại vùng hạ lưu huyện Thạch Thành sẽ đạt 13,8 m, vượt đỉnh lũ lịch sử 10 năm qua.
Hiện toàn bộ các xã Thành Kim, Thành Tiến, Thành An, Thành Thọ, Thành Mỹ… đã bị cô lập hoàn toàn. Nhà chức trách phát lệnh sơ tán khẩn cấp hàng nghìn hộ dân từ suốt đêm qua đến sáng nay.
Gần 3.800 hộ dân với gần 16.000 nhân khẩu cùng nhiều tài sản đang được xuồng máy, canô, máy kéo và ôtô tải của công an, quân đội vận chuyển đến nơi cao ráo. Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành cũng phải di chuyển 218 bệnh nhân đến nơi điều trị an toàn.
*Lao cả máy xúc ngăn vỡ đê sông Cầu Chày
Nước sông Mã đổ về hạ lưu TP Thanh Hóa.
“Đỉnh lũ năm 2007 trên sông Bưởi lên cao như vậy nhưng vẫn chưa bằng năm nay. Rất may là người và tài sản đều được gia đình di chuyển đến nơi an toàn”, chị Phạm Thị Từ, một người dân xã Thạch Định nói.
Ông Bùi Minh Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện phương châm 4 tại chỗ để chống lũ, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực. Huyện cũng điều động 8 trung đội dân quân với 400 người ở các xã tham gia phòng chống lụt.
“Những hộ dân trong vùng ngập lụt đã cơ bản được sơ tán đến nơi an toàn”, ông Thông nói.
Đến trưa nay, các tuyến quốc lộ 45, quốc lộ 217B đi Thạch Thành đã bị chia cắt hoàn toàn.
Tỉnh Thanh Hóa có 12 người chết, 3 người mất tích, 3 người bị thương do mưa lũ. Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho biết, trong các trường hợp tử vong, có một số do chủ quan như đi đánh cá bằng kích điện, cố tình đi qua tràn khi nước lên cao và đang chảy xiết, đi vớt củi trong nước lũ...
Hà Nội một người chết, nhiều xã bị cô lập
Hồ Hòa Bình xả lũ, nước đổ về các huyện Ba Vì, Chương Mỹ. Một người ở xã Yên Bài (Ba Vì) tử vong do lũ cuốn. 125 ha hoa màu của huyện bị ngập.
Tại huyện Chương Mỹ, lũ dâng cao khiến 120 m đê bối Đồng Trối ở xã Xuân Thủy Tiên bị tràn; 10 m đê bối đoạn cầu Vai Phiêu, xã Hoàng Văn Thụ, bị sạt lở.
Nước tràn vào trong đê khiến 7 xã, thị trấn bị cô lập là Nam Phương Tiến, Tây Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai. Trong đó, xã Nam Phương Tiến có 4 thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn với 800 hộ dân bị ngập hoàn toàn.
Nằm trong vùng trũng của thành phố, huyện Mỹ Đức cũng có 3 xã (An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến) bị ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống của 250 hộ dân.
Tại nội thành, mưa lớn làm ngập tuyến đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long nối với dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, xe cộ không đi được.
Ngày 12/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố ban hành báo động số 3 trên sông Nhuệ tại cống Đồng Quan.
Vỡ đê bao ở Chương Mỹ, nhiều người phải bơi xuồng trong xóm.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Lũ sông lên cao làm hàng loạt đê điều, đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố. Các tỉnh miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Thống kê đến chiều 12/10, có 53 người chết, 21 người mất tích. Con số này chưa dừng lại bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận. Trong đó, nhiều nhất là Hòa Bình (23 người chết, 13 mất tích), Yên Bái (4 chết, 11 mất tích); Thanh Hóa (12 người chết, 3 mất tích), Nghệ An (8 người chết), Sơn La (5 chết, 3 mất tích)... |