Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết, tình hình khám cấp cứu, tai nạn không tăng so với Tết năm ngoái. Cụ thể, có gần 230.000 lượt khám với hơn 800 ca tử vong. Trong đó cấp cứu do tai nạn giao thông là hơn 40.000 ca, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên có đến hơn 4.600 trường hợp chấn thương sọ não, 216 người tử vong.
Ngoài ra, số khám cấp cứu tai nạn do pháo nổ là 55, tăng 21 ca so với Tết năm 2014. Nhiều nhất là vào đêm 30 - mùng 1 Tết với 32 ca, sau đó là mùng 1-2 Tết với 7 ca, các ngày khác dao động 2-5 ca. Bên cạnh đó cũng có 34 ca nhập viện do chất nổ khác.
Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 2 ca tai nạn do pháo nổ. Trong đó có một bệnh nhân 58 tuổi ở Bắc Ninh bị mù bên mắt trái.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 9 ngày nghỉ Tết số bệnh nhân nhập viện điều trị khoảng 900-1.000, bằng khoảng 50% so với ngày thường. Mỗi ngày có khoảng 300 lượt người đến khám và 1/3 vào khoa Cấp cứu. Trong đó có 83 trường hợp xin về, 12 ca tử vong chủ yếu do tai biến, nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhiều trường hợp vì Tết nên cố ở nhà, đến khi khó thở không chịu được thì mới vào viện.
Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện cho biết, Tết năm nay nhờ hệ thống tái khám và khoa khám bệnh vẫn làm việc thông Tết nên tình hình khoa cấp cứu đỡ áp lực hơn. Trong đó ngoài tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn..., khoa tiếp nhận 79 ca xuất huyết tiêu hóa. Số bệnh nhân vào cấp cứu không có gì đột biến so với ngày thường. Riêng với những trường hợp xuất huyết tiêu hóa, đây đều là những người có bệnh gan, vào Tết uống nhiều rượu hơn, lại không ăn được nên tình trạng bệnh nặng hơn.
Trung tâm Chống độc ghi nhận 45 bệnh nhân, trong đó có 8 ca ngộ độc thức ăn, 6 ca ngộ độc rượu. Có bệnh nhân 35 tuổi, ở Hà Nội, uống khoảng 7-8 chén rượu ngoại ở quán, sau đó có biểu hiện nôn ra máu liên tục. Cá biệt, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân chuyển đến vì tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Nam Phương