Thứ tư, 4/12/2024
Thứ tư, 1/7/2020, 14:54 (GMT+7)

Hơn 5 ha chè cháy khô vì nắng nóng

Hà TĩnhNắng nóng kéo dài hơn một tháng qua khiến 170 ha chè ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ảnh hưởng, trong đó 5 ha cháy khô không thể hồi phục.

Hai tuần qua, do nắng nóng kéo dài, nhiều đồi chè ở xã Hương Trà, huyện Hương Sơn bị cháy khô và héo lá, rụng đầy gốc.

Bị cháy nhiều nhất là giống chè xuất xứ từ Phú Thọ được người dân lấy cành về ươm bầu rồi trồng.

Toàn xã Hương Trà có 170 ha chè, thuộc sự quản lý của Xí nghiệp chè 20/4 (Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh). Người dân được Xí nghiệp giao đất, hỗ trợ vay vốn. Khi thu hoạch thì bán lại sản phẩm cho đơn vị.

Ra thăm đồi chè rộng hàng nghìn m2 ở thôn Tân Trà (xã Hương Trà), ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc xí nghiệp chè 20/4, buồn rầu khi thấy cây chè héo lá, nhiều chỗ đỏ rực cả một vùng.

"Chè là cây mang lại thu nhập chính cho nhiều người dân ở xã Hương Trà. Một vụ chè kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mỗi tháng hái 4 lần. Một tấn chè bán cho Xí nghiệp được 6,7 triệu đồng, hộ thu hoạch nhiều nhất trong tháng ước tính khoảng 3 tấn, còn lại là 7-8 tạ", ông Hòa nói.

Với những cây chè chết khô, nếu vài tuần nữa không thể hồi phục thì người dân sẽ chặt bỏ để trồng cây mới. Giống chè này có vòng đời 30 năm. Vào cuối tháng 12, người trồng chè sẽ đốn cành, cuối tháng 2 âm lịch thì tạo hình, tầm tháng 5 trở đi chè cho thu hoạch.

Chị Vũ Thị Thoan, 30 tuổi, trú thôn Tiền Phong, xã Hương Trà cho biết gia đình trồng hơn 7 sào chè; thời gian gần đây khoảng 20% diện tích bị chết cháy. "Những tháng trước gia đình tôi thu 10 triệu đồng tiền bán chè búp. Tháng 6-7 chưa thu được đồng nào do chè cháy lá và búp, không hái được", chị Thoan nói.

Nhiều cây chè chết khô được người dân chất lại từng đống đem về làm củi.

Đập nhân tạo Khe Bắc, dung tích 4.000 khối nước, được Xí nghiệp chè đắp lên hàng chục năm trước. Nay đập cạn, chỉ còn đủ cung cấp nước cho một số hộ dân trong vòng bán kính 1.000 m. Nhiều đập nước khác trên địa bàn xã Sơn Trà dùng để cấp nước tưới cho cây chè cũng đã cạn gần trơ đáy.

Để cứu diện tích chè còn lại không bị chết khô, nhiều hộ dân phải chi hàng chục triệu đồng mua đường ống dẫn nước từ đập Khe Bắc lên tưới cho cây chè. Giá một mét đường ống 80.000 đồng, để kéo nước từ đập lên đồi chè phải mua từ 500 m đến gần 1.000 m đường ống.

Khoảng ba ngày, người dân tưới nước cho chè một lần. Mỗi lần tưới trong 6 tiếng. Theo Xí nghiệp chè 20/4, thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, trong tổng số 170 ha chè sẽ có khoảng 20% diện tích bị chết.

Hiện tượng nắng nóng cao điểm ở miền Trung do tác động kép của vùng thấp nóng và hiệu ứng gió phơn, sẽ kéo dài đến 2/7. Nền nhiệt ban ngày từ 37 đến 39 độ C, có nơi trên 40 độ.

Đức Hùng