Theo Bộ Công an, từ năm 2004 đến nay, cơ quan này đã phát hiện, xử lý gần 300 vụ với 400 người vì hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động. Giá trị tài sản bị thiệt hại trên 37 tỷ đồng và 1,4 tỷ USD.
Có rất nhiều hình thức lừa đảo, phổ biến là một số doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng cũng làm công tác tuyển chọn và thu tiền bất hợp pháp của lao động với danh nghĩa đưa đi học và làm việc ở nước ngoài. Ví dụ đầu năm nay Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ mới (Từ Liêm, Hà Nội), không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng đã lừa đảo, chiếm đoạt của 76 lao động với số tiền 800.000 USD và trên 1 tỷ đồng.
Lao động chưa dự kỳ kiểm tra chính thức do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Lao động Hàn Quốc tổ chức, hoặc đã tham dự, nhưng điểm không đạt thì không thể đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Hồng Khánh. |
Việc tổ chức học và thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn cho người đi lao động tại Hàn Quốc cũng đang bị tội phạm lợi dụng. Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ngãi đã xuất hiện nhóm lừa đảo bằng cách làm giả phiếu dự thi, tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn, làm giả chứng chỉ tiếng Hàn để thu hàng nghìn USD của lao động.
Đặc biệt, một số kẻ giả danh là cán bộ phòng Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, hoặc có mối quan hệ với Bộ Lao động để đứng ra tuyển dụng, thu tiền nhằm lừa đảo, chiếm đoạt. Họ thường làm giả hồ sơ, hợp đồng, tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký giả của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoặc Trung tâm lao động ngoài nước để tạo lòng tin.
Tinh vi hơn, tội phạm còn móc nối với một số người nước ngoài để lừa đảo, quảng cáo các chương trình du học, đi làm việc ở nước ngoài. Có trường hợp chúng còn tổ chức cho người nước ngoài thu tiền trực tiếp của lao động, thuê người nước ngoài đến phỏng vấn, ký hợp đồng trực tiếp để tạo lòng tin cho lao động.
Theo Bộ Công an, quá trình đấu tranh chống tội phạm trong xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, như thông tin về chỉ tiêu xuất khẩu của từng thị trường, danh sách doanh nghiệp được phép tuyển dụng để đưa người đi làm việc ở nước ngoài chưa được thông báo rộng rãi; chưa có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa công an và ngành lao động.
Nhiều người biết mình bị lừa đã không chủ động khai báo cho công an mà tìm cách để đòi lại tiền. Đến khi đòi không được, kẻ lừa đảo bỏ trốn thì người bị hại mới báo, gây khó khăn cho việc bắt và thu hồi tài sản. Cụ thể trong số 37 tỷ đồng và 1,4 tỷ USD thiệt hại từ những vụ án lừa đảo, trị giá tài sản đã thu hồi rất ít, chỉ 4,1 tỷ đồng và 5.300 USD.
Hồng Khánh