Lễ khởi công dự án núi Bài Thơ và tu bổ đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn diễn ra sáng 3/4 tại cửa đền ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long.
Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hóa núi Bài Thơ có diện tích gần 1,2 ha, tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng, bằng ngân sách thành phố. Trong quảng trường sẽ có lầu bát giác, nhà dịch vụ, đường giao thông, nhà vệ sinh ngầm...
Công viên, cây xanh từ khu vực đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đến cầu Bài Thơ, có diện tích gần 0,9 ha, tổng mức đầu tư khoảng 239 tỷ đồng.
Riêng phần mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn tại phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long sẽ được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa khác.
Theo lãnh đạo TP Hạ Long, việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc với quy mô.
Núi Bài Thơ nằm giữa trung tâm Hạ Long, cao 168 m, có 12 bài thơ được khắc trên vách núi. Nổi tiếng nhất là bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc năm 1468 và chúa Trịnh Cương khắc năm 1729.
Năm 1992, Cụm văn hóa Núi Bài thơ gồm núi Bài Thơ, Trung tâm Điện chính bưu điện Quảng Ninh nằm trên, chùa Long Tiên và Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2017, núi Bài Thơ bị đóng cửa tham quan sau một vụ cháy rừng. Tuy nhiên, nhiều du khách trong và ngoài nước vẫn tìm cách trèo lên đây để ngắm cảnh. TP Hạ Long đang lên kế hoạch xây dựng khu di tích núi Bài Thơ trở thành trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh, trong đó có việc mở cửa núi Bài Thơ.
Lê Tân