Triển lãm do Bộ Công thương chủ trì, giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức. Sự kiện góp phần nâng cao vị thế "trung tâm sản xuất dệt may hàng đầu" của Việt Nam, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp từ các nước ASEAN, châu Âu lẫn khu vực khác.
VIATT 2025 tiếp tục trưng bày loạt sản phẩm, giải pháp về vải, phụ kiện may mặc, sợi, chất xơ, quần áo, dệt may dân dụng và gia công. Bên cạnh đó là dệt may công nghiệp, vải không dệt, thiết bị may mặc, dịch vụ cấp chứng nhận và giải pháp liên quan...

Không gian triển lãm năm ngoái. Ảnh: VIATT
Năm nay, ban tổ chức chú trọng xu hướng tương lai, giới thiệu khu Econogy (nơi vực sản xuất bền vững) và khu Giải pháp sáng tạo -Kỹ thuật số, đề cao sự chuyển biến của ngành, hướng đến tính bền vững lẫn đổi mới công nghệ.
Khu gian hàng "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam" là điểm nhấn tại sự kiện, trở thành nơi các "ông lớn" trong nước quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và chứng tỏ vai trò dẫn dắt của mình trong lĩnh vực dệt may.

Khu gian hàng "Thương hiệu quốc gia Việt Nam" năm ngoái. Ảnh: VIATT
Triển lãm cũng thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế, đa dạng hàng hóa tại không gian trưng bày từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan hay Thái Lan.
Khu gian hàng châu Âu lần đầu ra mắt, một số doanh nghiệp nổi bật sẽ trưng bày sản phẩm như Bossa Ticaret Ve Sanayi Isletmeleri TAS (Thổ Nhĩ Kỳ), Chargeurs PCC Asia Limited (Pháp), Hohmann GmbH & Co. Kg, Homeplus (Đức), Technical Absorbents Ltd (Anh), Alumo AG (Thụy Sĩ)...
Với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp từ Âu đến Á, VIATT 2025 dự kiến tiếp tục nâng cao vị thế, trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà mua hàng dệt may tại ASEAN. Các đoàn mua hàng từ EU, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và một số quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận sẽ dự triển lãm.
Các hội thảo chuyên đề diễn ra thời gian này, giúp doanh nghiệp lẫn tín đồ dệt may tiếp cận, cập nhật thông tin mới nhất. Các chủ đề chính gồm: thiết kế và các xu hướng; thông tin thị trường, chiến lược kinh doanh; Đổi mới - công nghệ kèm giải pháp; các vấn đề liên quan phát triển bền vững...
Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức mang đến nhiều show thời trang, quy tụ dàn thiết kế trong và ngoài nước, nổi bật là màn trình diễn độc quyền của NTK Vũ Việt Hà cùng ngôi sao Pháp Manix Wong. Nhiều bộ sưu tập sẽ tiếp cận công chúng dịp này. Lối đi giữa các gian hàng biến thành sàn catwalk.
Khách mời còn trực tiếp trải nghiệm cách chế tạo những chiếc lót cốc đẹp mắt, mới lạ bằng cách dùng nút thắt, hoa văn tại workshop suốt hai ngày, do studio Cabin House - đơn vị trong nước - hướng dẫn.

Hàng trăm gian hàng tại sự kiện năm ngoái. Ảnh: VIATT
Tại triển lãm lần một năm 2024, VIATT tạo dấu ấn trong công tác tổ chức, đánh dấu lần đầu một sự kiện tầm khu vực diễn ra ở Việt Nam, liên quan lĩnh vực sợi, vải, phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu.
Suốt ba ngày, triển lãm hút gần 18.000 người, trong đó khoảng 3.000 khách quốc tế từ 55 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, ban tổ chức cũng kết nối gần 500 cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp trưng bày và khách tham quan, mua sắm.
VIATT thuộc chuỗi Texpertise, mạng lưới kinh doanh dệt may toàn cầu của Messe Frankfurt - nhà tổ chức sự kiện dệt may lớn. Ban tổ chức kết nối hơn 500.000 người từ 11 quốc gia, với hơn 50 hội chợ thương mại dệt may quốc tế.
(Nguồn: VIATT)