"Sự mắc kẹt dồn ép tinh thần tôi vào đường cùng. Bình thường khi không có đủ đồ ấm tôi cũng chỉ bực mình vài phút rồi thôi. Lần này, cơn giận kéo dài đến 2 ngày", Khải Đơn (TP HCM) chia sẻ về những hôm đầu mắc kẹt ở Nam Mỹ.
Ngày 9/3/2020, Khải Đơn cùng bạn trai bay đến thủ đô Santiago, với mục đích đi Patagonia một tháng để leo núi ở miền nam và lướt sóng dọc các tỉnh bờ biển miền trung. Cô dự định sẽ tới Mexico và đã đặt vé máy bay ngày 6/4. Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày khi cô tới Chile, số lượng ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia này tăng nhanh, do nhiều người dân trở về sau chuyến du lịch Italy, Anh.
Chính phủ nước này tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 90 ngày và hủy các chuyến bay đến, đi quốc tế. Du khách Việt Nam được gia hạn thêm thị thực trong thời gian này. Những người ở lại thêm 90 ngày sau lệnh phong tỏa sẽ phải đóng phí 100 USD.
Cô quyết định di chuyển tới thành phố Constitucion, cách thủ đô khoảng 6 giờ đi bus, để lấy lại chiếc xe cắm trại đã gửi tại đó từ 2019. Ngày đến đây, cô tiếp tục nhận được thông tin không mong muốn, Chile đóng cửa các quốc lộ lớn và các rừng quốc gia ở miền nam Patagonia. Khải Đơn chính thức mắc kẹt.
Thành phố ban lệnh giới nghiêm từ 22h tới 5h sáng hôm sau. Các khách sạn, nhà hàng ở thành phố đã đóng cửa hoàn toàn, tuy nhiên xe cắm trại của Khải Đơn có đủ bếp nấu ăn, ván lướt sóng và thiết bị leo núi. Một tuần, cô chỉ vào thành phố một lần để mua những loại thực phẩm thiết yếu, sau đó lái xe tới nơi cắm trại ở bãi biển, cách đó khoảng 12 km và ở lại.
6 bãi biển nằm kề nhau, được ngăn cách bởi các kỳ quan đá trước đây là điểm đến nổi tiếng nhất của thành phố, nay không có bóng người. Ở đây có một cảng cá, nơi cô có thể mua cá biển cho các bữa ăn hàng ngày.
Là người đam mê xê dịch, thời gian đầu khi rơi vào tình trạng mắc kẹt, Khải Đơn cảm thấy giận dữ, vì Chile chuẩn bị bước vào mùa đông, khí hậu và điều kiện biển khiến cô không thể duy trì chơi thể thao dưới nước lâu. Đặc biệt, các kế hoạch đi lại trong thời gian gần, cô không thể làm chủ như trước. Tuy nhiên, Khải Đơn quyết định chọn chỉnh đốn lại tinh thần vì "Sự hằn học sẽ cấu nát thời gian và làm tôi suy sụp trước khi thế giới sụp đổ".
Sau khoảng một tuần, Khải Đơn tìm đến trại lướt sóng Masi's Place, nơi có quán cà phê và sóng Internet để cô tiếp tục làm việc. Chủ quán tên Masi đề nghị cô cùng bạn trai có thể tới khu trại ở miễn phí, dù trước đây có giá 5 USD một đêm. Ở trại còn có 2 du khách khác, đến từ một tháng trước để lướt sóng. 4 người cùng nhau nấu ăn, lướt sóng, leo núi và câu cá. Thời gian còn lại cô tập yoga, học thêm tiếng Tây Ban Nha và trò chuyện cùng những người bạn mới quen.
"Chúng tôi không cô đơn trong dịch bệnh và trở thành bạn bè với nhau. Masi rất yêu thiên nhiên và thường dành nhiều thời gian để chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống", Khải Đơn vui vẻ kể lại.
Ở Constitucion, thực phẩm tươi sống, bánh mì và gạo có giá rẻ hơn so với thủ đô. Cô có thể cùng câu cá hoặc mua lại từ ngư dân với giá khoảng 6 USD một con cá lớn 5 kg. Mỗi tuần, cô chi tiêu khoảng 20 - 30 USD. Do làm việc tự do, cô vẫn có nguồn thu nhập như bình thường và không gặp phải tình huống quá nguy cấp về tài chính. Tuy nhiên, ở đây cũng có một bất tiện như Internet không ổn định, công việc kết nối với khách hàng từ xa trở nên khó khăn.
Vì thành phố nhỏ và không có cảng giao thương quốc tế, nên gần như không có người nước ngoài đến, các ca bệnh cũng không bắt nguồn từ đây. Hiện Chile kiểm soát tốt dịch bệnh, vì vậy Covid-19 không phải điều Khải Đơn lo lắng nhất.
Trong những ngày này, điều cô mong mỏi hơn cả là trở lại Mexico trước mùa đông Chile ập tới. "Tôi không thể dự đoán được điều gì trong giai đoạn này nhưng hi vọng đến tháng 5, chính phủ sẽ mở cửa trở lại các văn phòng đại sứ quán và các chuyến bay quốc tế", cô chia sẻ.
Lan Hương