Phó lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Chin (CNF) Sui Khar cho biết 80 phiến quân đã giao tranh với quân đội Myanmar từ sáng đến tối hôm 13/11 và chiếm được hai tiền đồn Rihkhawdar và Khawmawi ở bang Chin, tiếp giáp bang Mizoram của Ấn Độ. Đây là một phần cuộc tấn công chống lại chính quyền quân sự.
Sui Khar cho biết phiến quân Chin sẽ tìm cách mở rộng kiểm soát dọc biên giới Ấn Độ - Myanmar. Quân đội Myanmar hiện còn hai tiền đồn tại đây.
Lalmalsawma Hnamte, quan chức cảnh sát bang Mizoram, ngày 14/11 cho biết ít nhất 43 binh sĩ Myanmar chạy qua biên giới và đầu hàng cảnh sát Ấn Độ. "Chưa biết liệu họ có bị trả về Myanmar hay không, chúng tôi đang chờ thêm chỉ thị từ chính phủ", Hnamte nói.
Bộ Nội vụ Ấn Độ chưa bình luận về thông tin này.
Bang Chin, nơi phần lớn yên bình trong nhiều năm, đã chứng kiến giao tranh ác liệt sau cuộc đảo chính năm 2021. Hàng nghìn người dân tham gia các cuộc giao tranh chống lại chính quyền quân sự, nhiều người trong số họ được CNF hỗ trợ và huấn luyện.
Cuộc nổi dậy ở Chin được người dân ở Mizoram ủng hộ, một phần do mối quan hệ sắc tộc chặt chẽ. Hàng chục nghìn người từ Myanmar đã tìm nơi trú ẩn tại bang nhỏ của Ấn Độ, bao gồm cả các nhà lập pháp liên bang và bang của chính quyền bị lật đổ sau cuộc đảo chính.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt thử thách lớn nhất từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021. Liên minh Huynh đệ, gồm ba nhóm phiến quân là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA) từ hồi cuối tháng 10 xâm nhập vào các khu vực do quân đội kiểm soát ở biên giới với Trung Quốc tại bang Shan ở miền đông đất nước.
Chính quyền quân sự đã mất kiểm soát một số thị trấn và hơn 100 tiền đồn. "Chúng tôi đang tiếp tục các cuộc tấn công ở bang Shan", Kyaw Naing, phát ngôn viên MNDAA, nói ngày 14/11.
Tuần này, giao tranh nổ ra trên hai mặt trận mới là các bang miền tây Rakhine và Chin.
Vùng biên giới của Myanmar là nơi trú ngụ của hơn chục nhóm phiến quân, trong đó một số nhóm đã đối đầu với quân đội suốt nhiều thập kỷ để giành quyền tự chủ và kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Huyền Lê (Theo Reuters)