Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng sáng 20/6 sẽ là phiên thứ 33 tính từ cuối tháng 3. Sau 32 phiên diễn ra thành công trước đó, cơ quan này đã chào thầu tổng cộng 34,6 tấn vàng và bán được 31,3 tấn.
Những phiên đấu thầu gần đây, số lượng thành viên tham gia giảm dần do giới doanh nghiệp không mặn mà vì sức mua yếu. Do đó, chỉ còn lại các ngân hàng là đối tượng chính. Tuy nhiên, số lượng chào bán trong các phiên luôn được các tổ chức tín dụng mua gần hết khi thời hạn tất toán dư nợ huy động vàng chỉ còn đếm bằng ngày.

Theo một quan chức Ngân hàng Nhà nước, đến nay lượng dư nợ huy động vàng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 4 tấn. "Với nhịp độ tổ chức đều đặn 3 phiên đấu thầu vàng mỗi tuần thì việc tất toán trước thời hạn 30/6 của các ngân hàng không có gì khó khăn", ông nói.
Giá vàng SJC giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua có thể được các ngân hàng và doanh nghiệp xem là cơ hội để gom vào. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước hiện vẫn duy trì trên dưới 5 triệu đồng một lượng.
Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng diễn ra sáng 19/6 tại TP HCM, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á lo ngại về tình hình sau ngày 30/6 có thể sẽ xảy ra hai tình huống mà Ngân hàng Nhà nước nên lưu ý. Thứ nhất, ông Bình cho rằng, sau thời điểm các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái dư nợ huy động vàng và thị trường đã dần ổn định, nếu Thống đốc quyết tâm kéo giá xuống, nhiều người có thể đua nhau bán vàng ra, trong khi các tổ chức tín dụng không thể mua được vì không còn trạng thái âm.
Tình huống thứ hai là nhiều khách hàng kéo đến mua, nhưng ngân hàng lại không được quyền bán vì đã không còn trạng thái dương. "Do đó, cần có chính sách ứng phó ngay từ bây giờ", ông Trần Phương Bình nói.
Chia sẻ lo lắng trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, đã là thị trường thì tất yếu sẽ có người mua kẻ bán. Trường hợp, sau 30/6, nếu người dân chỉ mua hoặc bán một chiều thì các tổ chức tín dụng cũng không có gì phải lo ngại. Vì nếu trạng thái dương hoặc âm lớn thì các nhà băng cứ việc tìm đến Ngân hàng Nhà nước để bán hoặc mua lại.
"Chúng tôi sẽ là nơi mua bán cuối cùng để điều tiết thị trường và hoạt động này cũng tương tự như ngoại tệ", Thống đốc nhấn mạnh.
Lệ Chi