Chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm nay chạm mức 108 microgram trên một m3 không khí, theo công ty theo dõi chất lượng không khí IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Con số này vượt xa ngưỡng khuyến cáo không quá 15 microgram trên một m3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khiến Bangkok đứng thứ 7 trong danh sách các thành phố lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) đã đóng cửa 352 trong tổng số 437 trường học tại 31 quận của thủ đô, đánh dấu đợt đóng cửa trường học lớn nhất kể từ năm 2020.
Trước đó một ngày, hơn 250 trường học ở Bangkok cũng phải đóng cửa.
"Rất khó thở. Tôi cảm thấy cổ họng mình như bị đốt cháy. Tôi nghĩ đóng cửa trường học sẽ giúp ích theo cách nào đó", Benjawan Suknae, người bán đồ uống 61 tuổi, cho biết.
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Suriya Juangroongruangkit cho biết tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, đường sắt nội thành và xe buýt sẽ được miễn phí cho người dân trong vòng một tuần, kể từ ngày 25/1. Giới chức Bangkok tuần này cũng công bố chương trình cho phép người lao động làm việc tại nhà trong ba ngày và hạn chế phương tiện cơ giới tải trọng lớn trong thành phố.
"Tôi nghĩ BMA cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vấn đề này và chính sách làm việc tại nhà sẽ là giải pháp tốt nhất", Wisut Kitnarong, lao động tự do 59 tuổi, nêu quan điểm.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul hôm 23/1 áp đặt lệnh cấm đốt rơm rạ, những người vi phạm sẽ đối diện với nguy cơ bị truy tố.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cũng kêu gọi tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó ô nhiễm không khí, trong đó có hạn chế hoạt động xây dựng ở Bangkok và hợp tác với các nước láng giềng.
Giống nhiều quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ô nhiễm không khí theo mùa, bắt nguồn từ khối không khí lạnh vào mùa đông kết hợp với khói từ hoạt động đốt rơm rạ và phương tiện giao thông thải ra.
Phạm Giang (Theo AFP)