Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 12-14/7, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ nhân viên y tế thôi việc, nghỉ việc cao. Đại biểu Lê Thị Như Hồng đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm công tác.
Bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế, cho biết thành phố đang có hơn 7.000 cán bộ, nhân viên y tế làm việc trong hệ thống công lập, 1.809 cộng tác viên dân số, 119 nhân viên y tế thôn, bản; đạt tỷ lệ 17 bác sĩ/10.000 dân, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Qua hai năm phòng chống Covid-19, nhân viên y tế chịu nhiều áp lực về thể chất cũng như tinh thần nên đã có nhiều người xin thôi việc. Lãnh đạo ngành và các đơn vị đã động viên, cung cấp thông tin để nhân viên y tế tiếp tục làm việc. Đến nay, các đơn vị đã kịp thời bổ sung nhân lực thay thế và đạt 86%.
Bà Thủy cho rằng để nhân viên y tế yên tâm công tác thì cần có những chính sách dài hơi. Sắp tới, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục triển khai đề án thu hút nhân lực y tế chất lượng cao và sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn, phụ cấp đặc thù cho các lĩnh vực như lao, pháp y, tâm thần, y tế cơ sở...
Trả lời chất vấn sáng 14/7, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, đánh giá tình trạng thôi việc năm nào cũng có, nhưng gần đây số lượng nhiều lên, riêng công chức là 22 người (tính từ năm 2021). Ông Đồng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Đầu tiên là thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. Tiền lương hiện tại của công chức chỉ 4-5 triệu đồng một tháng. Nhiều người phải thuê nhà, hàng tháng đã hết nửa tiền lương. Nhiều công chức phải làm thêm sau giờ hành chính mới đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó chính sách thu hút bên ngoài, đặc biệt là khối tư nhân rất linh hoạt và lương cao.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã tinh giản biên chế theo chủ trương của nhà nước, người làm giảm xuống, cộng với nhiều người xin thôi việc, khiến công việc dồn lên vai những người còn ở lại, áp lực từ đó lớn hơn. Thời gian dịch Covid-19, công chức, viên chức ngành y không có thời gian nghỉ để tái tạo sức lao động.
Qua gặp gỡ, trao đổi với công chức xin thôi việc, ông Đồng ghi nhận một nguyên nhân khác là tâm lý "lo ngại rủi ro trong thực thi công vụ". "Trong ban cán sự cũng như ủy ban và các sở, ngành có nhiều nội dung, văn bản pháp luật không rõ ràng. Cán bộ trao đổi qua lại có khi cả buổi chưa ra", ông Đồng nói.
Nhiều công chức cho rằng đã làm thì tất nhiên có sai. Nhưng khi thanh tra, kiểm toán vào thì "bắt" hết lỗi và phải xử lý, nặng thì hình sự, nhẹ thì hành chính. Vì thế nhiều người cho biết xin ra ngoài an toàn hơn.
Nguyên nhân cuối cùng là cách điều hành, quản lý của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Nhiều lãnh đạo chưa biết tạo động lực cho cán bộ, viên chức làm việc; nhiều cấp dưới đã áp lực nhưng lại được lãnh đạo giao thêm việc.
Ông Đồng cho biết Đà Nẵng đã có đề án nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, tuy nhiên trước đây thành phố trình ra các cơ quan Trung ương đã không được chấp nhận. Chế độ tiền lương thì phải do Trung ương quyết, địa phương không thể ban hành quy định riêng.
Giải pháp trước mắt, theo ông Đồng, là các cơ quan, khối hành chính hiện nay nếu tiết kiệm được mức chi thường xuyên thì sẽ nâng cao được thu nhập cho người lao động. Thủ trưởng các cơ quan quan tâm, bố trí công việc phù hợp, gặp gỡ động viên, giải quyết nhu cầu chính đáng của người lao động để tạo tâm lý, động lực gắn bó công việc.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhận định cán bộ, công chức xin thôi việc là câu chuyện "khá nóng". "Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận việc này để có cách làm hiệu quả hơn, vừa động viên, vừa có chính sách phù hợp, tạo tâm lý, động lực cho đội ngũ cán bộ công chức", ông Triết nói.
Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa X thảo luận nhiều vấn đề, song đa phần là cũ như xử lý chất thải rắn, thu gom rác; quản lý tài sản công; quản lý đất hết thời hạn thuê; xử lý các lô đất trống, dự án treo, chậm triển khai; thiếu nhà ở xã hội; tình trạng cho vay nặng lãi, tội phạm công nghệ cao, tội phạm trẻ hóa gia tăng... Lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19, xem đây vừa là quyền lợi, trách nhiệm, vừa là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng, chống dịch.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy kinh tế TP Đà Nẵng đang trên đà phục hồi. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng hơn 12% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 20%, trong đó xuất khẩu phần mềm tăng 30%; thu ngân sách nhà nước đạt gần 70% dự toán, tăng 18% so cùng kỳ...