Thông tin vừa được ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM chia sẻ tại họp báo công bố triển khai chương trình "Sữa học đường" trên địa bàn thành phố với chủ đề "Chung tay vì một Việt Nam vươn cao". Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức; với sự tham dự của đại diện Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và các ban ngành liên quan.
Cụ thể, 10 quận huyện đầu tiên được thí điểm áp dụng gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân; huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Đây là những quận, huyện ngoại thành, tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều dân nhập cư. Chương trình còn triển khai đến nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục vì số lượng trẻ em khá đông, thường có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ, trẻ mầm non và học sinh lớp một được uống một hộp sữa tươi (180ml) mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ 3-6 tuổi, mỗi ngày nên sử dụng 4-4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm từ sữa (tương đương 15 gram phô mai, 100 ml sữa chua và 200-250 ml sữa dạng lỏng, nếu quy ra sữa tươi là 400-450 ml) không phân biệt trẻ có cân nặng bình thường hay thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo các bé thừa cân, béo phì nên dùng loại sữa không đường. Tùy theo thể trạng, học sinh được uống loại sữa tươi nguyên chất tiệt trùng có đường hoặc không đường.
Chương trình "Sữa học đường" trên địa bàn TP HCM được tiến hành theo hình thức xã hội hóa và hoàn toàn tự nguyện. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20%, phụ huynh chỉ phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, thành phố và Vinamilk sẽ hỗ trợ uống sữa miễn phí.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, 10 quận, huyện sẽ triển khai hoạt động trong 2 tháng, dự kiến đến hết học kỳ I (2019-2020). Sau giai đoạn này, ban chỉ đạo sẽ tổng kết, đánh giá, tham mưu cho UNBD TP HCM để tiếp tục trong học kỳ II. Trên cơ sở một năm thực hiện, chương trình sẽ được xem xét dành cho trẻ mẫu giáo, học sinh lớp một ở 24 quận, huyện của thành phố.
Có 1.229 trường mẫu giáo trong tổng số 1.581 trường công lập, ngoài công lập, nhóm mẫu giáo độc lập tư thục ở 10 quận, huyện tham gia chương trình "Sữa học đường". Khối tiểu học có 239 trường trong tổng số 248 trường công lập và ngoài công lập. Tỷ lệ các trường thực hiện đạt 80,26%.
Ông Nguyễn Hữu Hưng nhận định, chiều cao của trẻ em Việt những năm gần đây còn khiêm tốn so với chuẩn thế giới. Mặc dù khi sinh ra, chiều dài của trẻ sơ sinh không thua kém các trẻ em ở các nước. Tuy nhiên, từ 3 tuổi trở đi sự khác biệt về chiều cao cho đến tuổi trưởng thành ngày càng nhiều hơn so chiều cao trung bình thế giới.
Đưa sữa vào trường học nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, phụ huynh học sinh, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em. Sở Y tế sẽ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trước và sau thời gian uống sữa học đường.
Đề án chương trình "Sữa học đường" TP HCM thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được lựa chọn là đơn vị cung cấp sữa với giá trị hợp đồng gần 121 tỷ, cung cấp hơn 19 triệu hộp sữa.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Nghiên cứu và Phát triển Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, sữa bổ sung nguồn dinh dưỡng lành mạnh và cần thiết, đáp ứng nhu cầu về năng lượng, các vi chất như canxi, vitamin A, vitamin D... cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học. Vinamilk không đặt yếu tố thương mại trong chương trình mà làm những điều tốt nhất có thể để đóng góp cho trẻ em. Doanh nghiệp mong muốn chung tay cùng xã hội góp phần phát triển trí lực và thể lực cho thế hệ trẻ vì một ngày mai Việt Nam vươn cao.
Trước đó, Hội nghị tập huấn và chỉ đạo triển khai chương trình trong giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn thành phố diễn ra trong 3 ngày (28-30/10). Gần 2.000 trường học với hơn 8.000 đại biểu là ban giám hiệu, giáo viên, cán bộ y tế, kế toán và đại diện cha mẹ học sinh được cung cấp kiến thức chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo chương trình an toàn và hiệu quả.
Kim Uyên
Đề án chương trình "Sữa học đường" cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP HCM được triển khai theo Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP HCM vào ngày 8/10/2018, phê duyệt triển khai theo Quyết định số 674/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP HCM vào ngày 31/10/2019.
Chương trình diễn ra tại 17 tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Thuận...