Sáng 22/8, Bộ Tài chính và AFD ký thỏa ước Dự án Xây dựng đê Biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp. Bên cạnh khoản viện trợ và cho vay của EU và AFD, tỉnh Cà Mau sẽ chi khoảng 9 triệu euro vốn đối ứng.
Dự án được triển khai từ nay đến năm 2028 với ba mục tiêu chính. Thứ nhất là ngăn chặn xói lở bờ biển thông qua việc xây dựng 11 km kè chắn sóng, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có; phục hồi 2.000 ha rừng ngập mặn ven biển và cửa sông; nâng cao độ an toàn của hệ thống đê biển cũng như bảo vệ 15.000 ha đất nội đồng tại các huyện Phú Tân và Trần Văn Thời.
Thứ hai là xây dựng 19 km đê biển Tây và tạo tuyến giao thông ven biển nối thị trấn Cái Đôi Vàm với kênh Năm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ trong khu vực.
Mục tiêu thứ ba là xây dựng chiến lược quản lý tích hợp vùng bờ biển và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế tại 5 xã ven biển huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, đa dạng hóa hoạt động sinh kế tăng thu nhập cho cộng đồng, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản gần bờ, góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.
Cà Mau địa hình thấp, ba mặt giáp biển, đường bờ biển dài và chịu ảnh hưởng của hai chế độ triều cường gồm nhật triều của Biển Tây và bán nhật triều không đều của Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng Cà Mau dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.
Từ những năm 2000, phần lớn diện tích Biển Tây ở Cà Mau không còn được bồi lắng, trong khi thường xuyên bị sạt lở, xói mòn. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh phải đầu tư củng cố, bảo vệ bờ biển cũng như nạo vét kênh rạch.