Số liệu được công bố tại hội thảo quốc tế về khắc phục hậu quả dioxin với con người và môi trường, diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội.
Trong giai đoạn 1961-1971, chiến dịch Ranch Hand của quân đội Mỹ phun khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống 2,63 triệu ha diện tích miền Nam Việt Nam. Trong đó, chất độc da cam chiếm khoảng 60%, theo ông Thân Thành Công, Chánh Văn phòng 701, Bộ Quốc phòng.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học truyền máu Việt Nam, cho biết có đến 40 loại chất độc hóa học da cam. Khi tiếp xúc với cơ thể, dioxin xâm nhập trực tiếp vào da, các tổ chức dưới da; tổ chức phần mềm, đặc biệt là mô mỡ và mô liên kết; máu, sữa, hệ thống nội tiết, cơ quan sinh sản. Chất độc cũng xâm nhập vào gan, phổi, các tổ chức thần kinh ngoại vi và trung ương...
Trên cơ thể người, dioxin gây nhiễm độc tế bào sinh sản gây vô sinh, sảy thai, dị dạng và các rối loạn về kiểm soát sinh sản, sinh ung thư. Các loại ung thư có liên quan đến dioxin bao gồm ung thư phần mềm, ung thư máu, các ung thư đường hô hấp như thanh quản, khí phế quản, đa u tủy, tuyến tiền liệt, ung thư nhau, bàng quang, gan...
Nhiều tổ chức quốc tế đã đầu tư và hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu về dioxin và ung thư. Kết quả đều tìm thấy mối liên quan giữa ung thư gan, u lympho, phần mềm, ung thư nhau thai với dioxin.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng chất độc hóa học trong chiến tranh để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân và môi trường. Công tác khắc phục còn nhiều khó khăn và phức tạp, nhất là khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp.
"Trong những năm qua Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dioxin đến sức khỏe con người, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý chống lan tỏa", Thượng tướng Vịnh nói.
Tại sân bay Phù Cát đã lấp, cô lập đất, trầm tích nhiễm dioxin. Tại sân bay Đà Nẵng, hoàn thành xử lý triệt để đất, trầm tích nhiễm dioxin và bàn giao đất sạch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong năm 2019, Ban chỉ đạo 701 sẽ khởi công dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Mục tiêu đến năm 2020 xử lý được 35% khối lượng đất nhiễm dioxin và rà soát 100% số người tham gia kháng chiến.