Chiều 11/10, 7 thuyền viên tàu Vietship 01 và một ngư dân bị kẹt ngoài biển đang được chăm sóc tích cực tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. 8 người nằm ở 2 phòng bệnh, phần lớn chìm vào giấc ngủ sâu sau hơn 3 ngày đêm liền không dám ngủ, chống chọi với sóng gió.
Sau giấc ngủ chập chờn vì bị chấn động, người ê ẩm, thuyền viên Đặng Văn Nghị (33 tuổi, trú Hậu Lộc, Thanh Hóa) kể lại, tàu Vietship 01 không tự vận hành mà có tàu lai kéo. Bình thường, tàu neo vào cọc đóng sâu xuống đáy sông nên an toàn. Những ngày gần đây, công trình tại Quảng Trị hoàn thành, cọc neo được nhổ lên để chuẩn bị kéo Vietship 01 đi làm công trình khác thì lũ ùa về.
Khoảng 3h ngày 8/10, Vietship 01 bị lũ cuốn trôi ra cửa biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, cách vị trí neo đậu khoảng 400 m. Đến 9h sáng 8/10, tàu trôi về phía nam cửa biển rồi chìm dần. "Khi tàu bị trôi, tôi gọi điện về thông báo cho gia đình, nhưng khi tàu chìm thì nhanh quá, không kịp nói gì", anh Nghị kể. Mọi người ngồi trên nóc cabin, mặc áo phao sẵn sàng chờ cứu hộ từ trong bờ.
3 ngày đêm liền, thuyền viên không có đồ ăn, nước uống. Anh Nghị uống nước mưa cầm cự, cảnh báo anh em không uống nước biển vì có thể gây mất nước, không đủ sức chống chọi lâu dài. Dù vậy, những con sóng cao 4-5 m đánh từ trên xuống, ập mạnh vào người nên ít nhiều mọi người đều bị uống nước biển.
Một thuyền viên lớn tuổi, đuối sức, sốt mê man, liên tục nói "Anh em lấy cho anh ly nước gừng" như thể ở trong bờ. Một người khác bị gãy xương sườn, một người chấn thương ở chân. Chứng kiến việc cứu hộ chưa thành công, anh em an ủi nhau cố gắng, tin tưởng vào ngày mai thời tiết thuận lợi hơn.
Nóc cabin nơi thuyền viên bám trụ có các tấm thép cao ngang đầu gối vây quanh, sóng ập vào liên tục nên khu vực này luôn ngập nước, mọi người như cá bơi trong bể. Mỗi lần sóng dội vào, thuyền viên bị nhấc bổng, nếu không bám chắc là rơi xuống biển. Không nói ra, những anh Nghị đã nghĩ đến khả năng xấu nhất.
Chiều 10/10, trực thăng xuất hiện, anh em như "sống lại". Tuy nhiên, do trời tối, sóng gió mạnh, trực thăng chỉ thả đường sữa và sợi dây thừng xuống tàu rồi bay vào bờ. Chờ mãi không thấy trực thăng trở lại, tinh thần mọi người lại chùng xuống. Họ tự động viên nhau máy bay về lấy đồ cứu hộ rồi sớm trở ra.
Ngóng về đất liền, thuyền viên chỉ muốn bơi vào nhưng những cột sóng cao 4-5 m như muốn nhấn chìm họ. "Sóng gió ở đó ghê lắm, không đợi tàu ra cứu hộ thì không thể nào sống sót được. Hơn nữa, nước xoáy rất khó lường", anh Nghị kể.
Sáng 11/10, trực thăng quay trở lại, nhân viên cứu nạn được thả xuống, các thuyền viên lại lóe lên hy vọng. "Dù vậy, đến khi nằm đây thì tôi mới tin là mình được cứu sống", anh Nghị nói.
Sau ít tiếng được sưởi ấm, chăm sóc sức khỏe, ăn hết một tô cháo đầy của bệnh viện, ngư dân Trần Xuân Cường (27 tuổi, trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh) nói đã phần nào tỉnh lại, dù người vẫn ê ẩm, đầu choáng váng.
Tàu cá của anh Cường ra cứu nạn lúc 10h40 ngày 10/11, nhưng bị chìm. Anh Cường bơi vào và ngồi trên một ụ sắt lớn giữa tàu, cách cabin khoảng 10 m, rồi bị mắc kẹt. Suốt buổi chiều, anh Cường bám trụ, chờ cứu hộ, nhưng nỗ lực của một tàu cá và một xuồng cao su đều bất thành.
Cuối buổi chiều 10/11, thấy anh Cường bám trụ đơn độc nguy hiểm nên thuyền viên Nguyễn Hữu Tú (33 tuổi, trú Hương Khê, Hà Tĩnh) còn khỏe đã bơi ra ụ sắt với anh Cường. Cả hai cùng dìu nhau bơi qua phía mũi tàu. Ở đây có một khu vực bằng phẳng, nhưng sát mực nước biển, sóng đánh dữ dội nên cả hai chọn leo lên dàn sắt phía trước dễ bám trụ hơn.
Cùng lúc 2 người bơi qua mũi tàu thì một thuyền viên khác từ cabin nhảy xuống biển bơi theo. Tuy nhiên, anh này bơi được nửa đường thì bị sóng cuốn, đang được biên phòng Quảng Trị tìm kiếm.
Suốt đêm hai anh Cường và Tú không dám ngủ, tay gồng bám vào lan can sắt để trụ lại trước sóng dữ, mắt dõi vào bờ mong trời sáng. "Ở trong bờ cứ nghĩ bình thường, ra đến ngoài này mới biết lâm vào cảnh ngặt nghèo, tinh thần xuống rất nhanh", anh Cường nói. Nhờ kinh nghiệm đi biển, nhiều lần gặp nạn và giúp đỡ những người khác gặp nạn nên anh Cường vững tâm trở lại. Những khi khát, ngư dân này vắt nước mưa ở áo để uống, cắn răng chịu gió lạnh suốt đêm.
Không thể chịu đựng thêm sóng gió, thuyền viên Tú muốn bơi vào đất liền, nhưng được anh Cường can ngăn vì bơi vào buổi tối, không có người phát hiện hỗ trợ sẽ rất nguy hiểm. Trong đêm, hai người vớt được 2 cái phao do các tàu cứu nạn đưa ra, với ý nghĩ phòng bị cho bản thân và giúp đỡ thuyền viên phía cabin nếu không may bị sóng đánh rơi. Hai người ở mũi tàu và nhóm thuyền viên trên cabin tàu thỉnh thoảng nói chuyện, nhưng lúc nghe được lúc không.
Đến 7h45 sáng nay, nhìn sóng nước có phần dịu lại, anh Cường suy tính nếu không bơi vào bờ thì khó có cơ hội khác. Trong khi việc cứu hộ đang triển khai, anh Cường và thuyền viên Tú nhảy xuống nước, ôm phao lao về phía bờ. Ít phút sau, trực thăng xuất hiện, nhưng cả hai không thể quay trở lại tàu hàng.
"Tôi gắng bơi nhưng liên tục bị sóng đánh rơi phao, phải vật lộn tìm lại. Sự sống và cái chết cận kề, nhưng tôi nghĩ phải cố gắng về với gia đình", anh Cường kể.
Một tiếng rưỡi sau, được sự hỗ trợ của 3 đặc công hải quân, anh Cường là người cuối cùng được đưa vào bờ, kết thúc việc cứu nạn kéo dài 3 ngày.
Ngồi trên giường bệnh, ngư dân Cường lý giải việc ra cứu nạn: "Làm được gì thì làm, chứ mình tính toán hiểm nguy thì các thuyền viên chết mất".
Bác sĩ Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Ngô Chiến cho hay các nạn nhân có nguy cơ viêm phổi do lạnh, 3 người đang sốt nhưng tất cả đều đang ổn định. "Chúng tôi điều trị nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, bù nước điện giải và dự phòng viêm phổi cho bệnh nhân", bác sĩ Chiến nói.
Sáng 11/10, trực thăng và đặc công hải quân cứu nạn thành công 8 người trên tàu Vietship 01 bị chìm rồi mắc cạn ở bờ biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Tàu có 12 người, ngoài 7 thuyền viên được cứu hôm nay, 4 người khác tự bơi vào bờ, một đang mất tích.