Chiều 1/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 117 trường THPT công lập không chuyên. Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng điểm Ngoại ngữ và điểm ưu tiên. Nếu chỉ tính điểm thi, mức tối đa là 50.
Hầu hết trường lấy điểm chuẩn cao hơn năm trước. Điều này đã được dự báo ngay sau khi kết thúc kỳ thi vào lớp 10 do đề thi quen thuộc, có phần dễ hơn. Dù vậy, toàn thành phố vẫn có 13 trường có điểm chuẩn thấp hơn 25, tức thí sinh đạt dưới 5 điểm một môn có thể trúng tuyển.
Bốn trường lấy 17 điểm là THPT Bất Bạt, Minh Quang, Bắc Lương Sơn và Lưu Hoàng, trung bình 3,4 điểm mỗi môn. Trong đó, điểm chuẩn của THPT Bất Bạt, Minh Quang bằng năm ngoái, Bắc Lương Sơn tăng 2 còn THPT Lưu Hoàng giảm 0,75 điểm.
Cả bốn trường này đều có số học sinh đăng ký nguyện vọng một ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong 13 trường có điểm chuẩn lớp 10 thấp nhất Hà Nội, THPT Vân Cốc cao nhất với 24,75 điểm, trung bình 4,95 điểm mỗi môn. Các trường có mức điểm trên 24 khác là THPT Hợp Thanh, Ba Vì, Tân Dân.
Như mọi năm, các trường lấy điểm chuẩn thấp nhất nằm ở ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội 40-80 km.
Khu vực 8 (Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây) có 5 trong số 13 trường thuộc nhóm này, gồm THPT Bất Bạt, Minh Quang, Ba Vì, Vân Cốc. Khu vực 12 (Mỹ Đức, Ứng Hòa) cũng có 5 trường gồm Lưu Hoàng, Mỹ Đức C, Đại Cường, Ứng Hòa B và Hợp Thanh.
Ba trường còn lại là THPT Bắc Lương Sơn thuộc huyện Thạch Thất, THPT Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Chương Mỹ, THPT Tân Dân ở huyện Thường Tín.
Nhiều năm nay, chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường THPT công lập ở Hà Nội được xác định do ba nguyên nhân chính: chất lượng đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập ở một số huyện còn khó khăn, phụ huynh chưa chăm lo được việc học tập của con em.
Ngoài ra, các trường ở ngoại thành có dân số ít hơn nội thành nhưng số trường công lập lại nhiều hơn, nên tỷ lệ chọi cũng thấp hơn.
Năm ngoái, 12 quận nội thành có 3,74 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Hà Nội. Trong khi đó, tổng số trường công lập ở khu vực này chỉ 37, còn ngoại thành có 80 trường, hơn gấp đôi.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội có hơn 104.000 học sinh. Các em phải làm ba bài thi Toán, Văn và Ngoại ngữ. Để được xét tuyển, thí sinh phải làm đủ các bài thi, không vi phạm quy chế, không bài thi nào bị điểm 0.
Thành phố vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng ba không bắt buộc.
Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 5/7, thí sinh sẽ nhận được phiếu báo kết quả tuyển sinh lớp 10, và làm thủ tục nhập học đến 7/7. Đây là thủ tục bắt buộc với tất cả học sinh trúng tuyển, có nguyện vọng. Các em có thể nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp.
Nếu nhập học lớp 10 trực tuyến, học sinh đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh đầu cấp của thành phố, chọn tên trường trúng tuyển và xác nhận nhập học, sau đó in hoặc lưu phiếu.
Nếu nhập học trực tiếp, học sinh nộp bản sao phiếu báo kết quả thi vào lớp 10 tại trường trúng tuyển. Sau khi được xác nhận nhập học, tài khoản của học sinh sẽ bị khóa. Trường sẽ in giấy xác nhận nhập học cho các em. Trong trường hợp trúng tuyển nhiều nguyện vọng và muốn điều chỉnh, học sinh phải liên hệ với trường để hủy xác nhận nhập học, rồi mới nhập học ở nguyện vọng mới.
Từ 10/7, những trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu có thể xét tuyển bổ sung, gọi nhập học từ ngày 11 đến 14/7.