Ngày 27/9, sau khi thị sát khu vực bị sạt lở ở Tiền Giang, Thủ tướng làm việc với các địa phương. "Các đồng chí nói với tôi nếu đủ hơn 3.000 tỷ đồng thì cơ bản sạt lở bờ biển, bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết, thì lần này tôi đồng ý", Thủ tướng nói và lưu ý phải dùng nguồn vốn hiệu quả nhất, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng khẳng định nhà nước luôn quan tâm đầu tư đặc biệt cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, nhất là bố trí nguồn lực xử lý sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, tình hình sạt lở trên diện rộng gây thiệt hại rất lớn, khiến nhiều tỉnh gặp khó khăn, nhân dân lo lắng. Để đảm bảo an toàn, Thủ tướng đề nghị các địa phương vận động người dân không xây nhà sát cửa sông, biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì đánh giá tổng thể thực trạng sạt lở đồng bằng sông Cửu Long để áp dụng công nghệ xử lý. Các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ được huy động để nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo vệ bờ biển. "Việc nóng bỏng của dân, chúng ta phải tập trung làm vì quỹ nghiên cứu khoa học của chúng ta rất lớn", Thủ tướng nói và giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét một số đề tài về vấn đề này.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây cả nước. Khu vực này cũng chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
Theo báo cáo, 10 năm qua Nhà nước đã bố trí hơn 16.000 tỷ đồng xây dựng công trình chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng phức tạp với gần 600 điểm sạt, dài hơn 830 km.