Bộ Lao động Mỹ hôm 23/4 thông báo trong tuần kết thúc vào ngày 18/4, nước này có thêm 4,4 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Tổng cộng từ ngày 14/3, con số này là 26,5 triệu lao động. Đây là giai đoạn số liệu này tăng mạnh nhất kể từ khi Bộ Lao động Mỹ bắt đầu theo dõi năm 1967.
Không phải tất cả những người này đều sẽ được nhận trợ cấp. Một số bị từ chối do không đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Nhưng kể cả vậy, những con số này cũng phản ánh tác động khủng khiếp của đại dịch đến người lao động. 16,2% lực lượng lao động Mỹ đã bị sa thải, nghỉ không lương hoặc giảm giờ làm.
Số đơn xin mới đã giảm dần trong 3 tuần qua, từ mức đỉnh 6,9 triệu tuần cuối tháng 3. Dù vậy, mức tăng hàng triệu mỗi tuần vẫn cho thấy sự tương phản so với thị trường việc làm trước khi đại dịch diễn ra. Chỉ mới vài tháng trước, con số này còn thấp kỷ lục, với 200.000 đơn. Heidi Shierholz – nhà kinh tế học cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế cho biết mức hiện tại cao hơn 20 lần so với thời tiền đại dịch và gấp 5 lần giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 22 triệu việc làm mới trong giai đoạn bùng nổ hậu khủng hoảng, từ tháng 9/2010 đến tháng 2/2020. Bộ Lao động Mỹ nhận định: "Đại dịch sẽ tiếp tục tác động đến số đơn xin trợ cấp lần đầu".
Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên hôm 23/4 tăng điểm, do nhà đầu tư tập trung vào khía cạnh số đơn mới giảm xuống. DJIA hiện tăng 2%. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 2,3% và 2,8%.
"Dù sa thải và cho nghỉ không lương sẽ còn tiếp diễn với nhiều ngành trong vài tuần tới, chúng tôi vẫn lạc quan thận trọng rằng đỉnh điểm của việc này đã qua", Andrew Hollenhorst – nhà kinh tế học tại Citigroup cho biết.
Thượng viện Mỹ hôm 22/4 cũng chấp thuận bổ sung 484 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, giới phân tích cho rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới sẽ giảm trong vài tuần tới, khi ngày càng nhiều công ty tiếp cận được khoản vay này.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)