Tại toạ đàm "Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam - thực trạng và định hướng phát triển" chiều 25/11 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết năm 2022, cả nước có hơn 300 chương trình trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, giảm so với con số 408 năm 2021. Hơn 25.000 sinh viên đang theo học các chương trình này trong cả nước.
Bà Thuỷ cho rằng con số này chưa nhiều nhưng các trường không nên chạy theo số lượng. Để được cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (từ IELTS 5.5 trở lên với tiếng Anh). "Năng lực ngoại ngữ như vậy mới có thể học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh không qua phiên dịch. Với các điều kiện đầu vào này, sinh viên Việt Nam khi cầm được tấm bằng do các nhà trường liên kết đào tạo cấp là xứng đáng với năng lực của các em", bà Thủy đánh giá.
Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở Việt Nam hiện chủ yếu với đối tác ở Anh, Mỹ, Pháp, Australia. Trước băn khoăn về việc hơn 62% đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài top 1.000 đại học trên thế giới, bà Thủy giải thích đây không phải là tiêu chí bắt buộc để lựa chọn liên kết đào tạo, cũng không nằm trong các quy định của Luật Giáo dục đại học.
"Việc xếp hạng của các trường đối tác trên thế giới không phải là tất cả, có những trường tốt nhưng không tham dự bất kỳ bảng xếp hạng nào", bà Thủy nói. Theo bà, tất cả chương trình đào tạo đều được kiểm định, bảo đảm các quy định của pháp luật. Bộ cũng hậu kiểm và quyết định dừng đào tạo với chương trình nào không đúng cam kết. Dự kiến, thông tư về quản lý và đào tạo chương trình liên kết với nước ngoài sẽ được ban hành trong năm tới.
Để tăng uy tín cho các chương trình này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khuyến khích trường đại học tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế. Điều này còn giúp các trường rà soát toàn bộ quá trình đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn đối tác và đảm bảo chất lượng chương trình liên kết, GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết nguyên tắc quan trọng là chọn các chương trình có độ "hot" cao. "Việc này sẽ thu hút được sinh viên nước ngoài đến học tập, tính quốc tế hóa trong môi trường học tập được nâng lên", bà nói.
Bên cạnh đó, trường liên kết với các tổ chức nghề nghiệp để phát triển các chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và đầu ra của sinh viên. Theo bà Hoa, để môi trường đào tạo đạt chuẩn quốc tế, trường còn thường xuyên rà soát và tái cấu trúc các chương trình liên kết; đánh giá công tác đào tạo; tăng cường trao đổi sinh viên và giảng viên, xây dựng môi trường học thuật đạt chuẩn.
Đại học Ngoại thương Hà Nội hiện có 23 đối tác, đến từ 11 quốc gia. Theo PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng của trường, chương trình liên kết là một sản phẩm chung có thể phát triển. "Chúng ta cần phải nghĩ xa hơn, có một chiến lược để tìm ra những khía cạnh, những điểm vượt trội nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế", ông Tiến nói, cho biết Đại học Ngoại thương đang có những bước đi đầu tiên với mục tiêu đưa chương trình đào tạo ra nước ngoài.
Theo ông Tiến, nhiều chương trình liên kết đào tạo của trường mới đầu chỉ có hai đối tác, đến nay đã được nhiều đối tác khác công nhận và muốn tham gia. Trường hiện hợp tác với các trường đại học hàng đầu châu Á để xây dựng những chương trình về trí tuệ nhân tạo, kinh doanh số và một số hoạt động khác. Sinh viên được linh hoạt lựa chọn môn học trong mỗi học kỳ, ở mỗi đối tác khác nhau.
Bà Nguyễn Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá nhu cầu du học gần như đã bão hòa và nhiều nước đang có xu hướng thông qua chương trình liên kết đào tạo để giữ chân sinh viên ở trong nước. "Du nhập các chương trình tiên tiến cũng là cơ hội để giáo dục đại học Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới", bà Hoa nói.
Bình Minh